Thủy sản khai thác cũng là mặt hàng đang gặp ách tắc về khâu tiêu thụ. Theo nhiều chủ tàu cá ở Bình Định, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch Covid-19 gây khó khăn trong tiêu thụ thủy sản. Giá một số loại thủy sản đang giảm mạnh, khiến ngư dân không dám cho tàu ra khơi đánh bắt.
Bởi chủ tàu lo ngại đánh bắt xong không biết có bán được sản phẩm hay không. Do đó, lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định hiện đang neo bờ khoảng 50%. Nếu dịch Covid-19 còn kéo dài, tiêu thụ thủy sản còn gặp khó khăn, số lượng tàu cá nằm bờ ở Bình Định sẽ còn tăng thêm.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết dự kiến, sản lượng thủy sản khai thác từ tháng 7 đến tháng 10/2021 của tỉnh ước đạt khoảng 39.480 tấn, trong đó có 1.470 tấn cá ngừ đại dương.
Về giải pháp tiêu thụ, hiện tỉnh mới đã có hướng kêu gọi các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thu mua cá ngừ đại dương để chế biến hoặc bảo quản phục vụ xuất khẩu, nên nguy cơ bị tồn đọng là rất ít.
Tuy nhiên, các loại thủy sản đánh bắt khác phần lớn được tiêu thụ qua trung gian đầu nậu tại các cảng cá, chợ cá và đại lý thủy sản để cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, trong khi tình hình vận chuyển, tiêu thụ rất khó khăn, nhu cầu tiêu thụ cũng đang giảm rất mạnh do dịch bệnh Covid-19.
Trên cơ sở phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương nắm bắt tình hình sản lượng nông, thủy sản trong thời gian tới, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, Sở NN-PTNT Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh triển khai phương án vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm phù hợp trong tình hình dịch bệnh.
Đồng thời thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kho chứa hàng, nhằm chủ động trong bảo quản, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm; nhất là các sản phẩm có sản lượng lớn, tươi sống, dễ hư hỏng và nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Nguồn: Vũ Đình Thung (2021), Đánh bắt đình trệ, dưa hấu nguy cơ ùn ứ, Nông nghiệp Việt Nam, Kinh tế, 27/7/2021