Chiều 30/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức cuộc họp kiểm điểm công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm nay, triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cập nhật phương pháp quản lý an toàn thực phẩm mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng là tiếp cận các nguy cơ có thể xảy ra mất an toàn thực phẩm, để từ đó triển khai các biện pháp ứng phó.
Báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương tại cuộc họp cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành. Cả nước thành lập được hơn 20.000 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, phát hiện gần 70.000 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ gần 20% số cơ sở được kiểm tra. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua chưa có nhiều đột phá và kết quả đạt được chưa nổi bật. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm vẫn xảy ra, trong khi đó chỉ có gần 20% cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý. Việc tái kiểm ta các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản từng bị xếp loại C chưa được triển khai tích cực tại các địa phương nên 6 tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương tái kiểm tra vẫn còn 36/52 cơ sở vẫn xếp loại C. Đặc biệt, theo kết quả giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 9 mẫu cá tra thương phẩm trong tổng số 433 mẫu thủy sản nuôi bị nhiễm dư lượng chất cấm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tập trung thực hiện cho được việc tái kiểm tra 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản từng bị xếp loại C; nếu cơ sở nào không chuyển biến, phải đề nghị chấm dứt hoạt động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa, nhất là cần đẩy nhanh thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại cấp cơ sở, tiến tới thực phẩm cung cấp cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tương đương chất lượng xuất khẩu: “Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, vừa đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ về các văn bản pháp luật để việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phát huy hiệu quả nhất. Bên cạnh đó kiên trì vận động nhân dân thông qua các đoàn thể và phương tiện thông tin đại chúng. Điều quan trọng hiện nay mà bước đầu chúng ta đã tiếp cận là thiết lập lại hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm, quản lý an toàn thực phẩm theo cách của các nước trên thế giới đang làm là tiếp cận các nguy cơ có thể xảy ra, tức là các mối nguy”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật an toàn thực phẩm. Cụ thể, đến nay, Bộ Công thương còn 1 văn bản chưa ban hành, Bộ Y tế còn 3 văn bản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 2 văn bản chưa ban hành./.