1. Sứa đỏ như máu
Các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã phát hiện loài sứa mới cùng với một số sinh vật chưa từng được biết đến khác trong một chuyến thám hiểm Bắc Đại Tây Dương năm 2021. Chuyến thám hiểm kéo dài từ ngày 30.6 đến ngày 29.7
Con sứa với cơ thể hình đĩa và có màu đỏ tuyệt đẹp. Ảnh: NOAA
Loài sứa mới được xác định thuộc chi Poralia - bao gồm những con sứa có đầu hình chuông, có tới 30 xúc tu và là một trong những loài sinh vật mong manh nhất.
2. Bạch tuộc thủy tinh
Cũng trong tháng 8, các nhà nghiên cứu từ Viện Đại dương Schmidt (SOI) đã công bố cảnh quay về một con bạch tuộc thủy tinh (Vitreledonella richardi) ngoài khơi quần đảo Phoenix xa xôi, cách thành phố Sydney của Australia 5.100 km về phía đông bắc.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Đại dương Schmidt đã phát hiện một con bạch tuộc thủy tinh (Vitreledonella richardi) ở vùng biển sâu của Thái Bình Dương. Ảnh: Viện Đại dương Schmidt
Giống như những sinh vật thủy tinh khác, chẳng hạn như ếch thủy tinh và sứa lược, bạch tuộc thủy tinh gần như hoàn toàn trong suốt, chỉ có đôi mắt, dây thần kinh thị giác và ống tiêu hóa là hiện rõ.
3. Cá voi biến đổi hình dạng
Hồi tháng 8, Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI) đã công bố cảnh quay cho thấy một con cá voi cái, màu cam rực rỡ đang bơi ở độ sâu khoảng 2.013m, ngoài khơi Vịnh Monterey, California, Mỹ.
Cận cảnh loài cá voi bí ẩn có thể thay đổi hình dạng cơ thể trong suốt vòng đời của nó. Ảnh: MBARI
Con cá thuộc bộ Cetomimiformes, là 1 trong tổng số 18 lần hiếm hoi các nhà khoa học của Viện nghiên cứu bắt gặp loài này trong suốt 34 năm thám hiểm dưới đáy biển sâu.
4. Bạch tuộc Dumbo
Vào tháng 5, các nhà nghiên cứu đã báo cáo về việc tìm thấy một loại bạch tuộc Dumbo hoàn toàn mới. Họ đặt biệt danh cho loài mới là Emperor Dumbo.
Bạch tuộc Emperor Dumbo (Grimpoteuthis imperator). Ảnh: creative commons
Các nhà nghiên cứu phát hiện sinh vật đáng yêu này khi họ vô tình kéo nó lên mặt nước bằng một tấm lưới, trong chuyến thám hiểm quần đảo Aleutian ở biển Bering.
5. Chú bọt biển tinh nghịch ngoài đời thực
Tháng 8 năm nay, NOAA đã chia sẻ một bức ảnh hài hước về phiên bản ngoài đời thực của đôi bạn thân trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng "chú bọt biển tinh nghịch".
SpongeBob và Patrick ngoài đời thực bên nhau dưới đáy biển. Ảnh: NOAA Ocean Exploration/Christopher Ma
Hình ảnh bọt biển màu vàng hình vuông và ngôi sao biển màu hồng năm cánh được chụp lại vào ngày 27.7 ở độ sâu 1.885m, trong chuyến thám hiểm ngoài khơi bờ biển New England, Mỹ.
6. Mực ngoài hành tinh
Các nhà khoa học của NOAA vào tháng 11 đã phát hiện một con mực vây lớn quý hiếm (thuộc chi Mangapinna) trong chuyến thám hiểm biển sâu ở Vịnh Mexico.
Các nhà khoa học NOAA đã ghi lại được hình ảnh về loài mực vây lớn quý hiếm ở Vịnh Mexico. Ảnh: NOAA Ocean Exploration
Loài mực ma quái có một cơ thể rất kỳ lạ với những chiếc vây khổng lồ, óng ánh và những chiếc xúc tu có phần uốn cong như khuỷu tay.
Cho đến nay, chỉ có chưa đến 20 trường hợp nhìn thấy loài mực này được xác nhận kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1998.
7. Sứa ma khổng lồ
Các nhà khoa học của MBARI đã phát hiện một con sứa ma khổng lồ ở độ sâu khoảng 975m tại Vịnh Monterey, California, Mỹ.
Con sứa ma trông khá huyền bí và đáng sợ. Ảnh: MBARI
MBARI cho biết, con sứa ma khổng lồ đầu tiên được phát hiện vào năm 1899. Kể từ đó, các nhà khoa học chỉ nhìn thấy loài vật này khoảng 10 lần. Mặc dù hiếm khi được phát hiện, nhưng loài sứa này đã được tìm thấy ở đáy sâu của mọi đại dương trên thế giới, ngoại trừ Bắc Băng Dương.
8. Mực ma
Vào tháng 10, các nhà nghiên cứu đang cố gắng lập bản đồ đáy biển của Vịnh Aqaba ở Biển Đỏ thì bị sốc khi phát hiện một con tàu đắm. Trong khi nhóm nghiên cứu quay phim xác tàu, một con mực liên tục bơi qua bơi lại trước ống kính.
Con mực bơi ở Vịnh Aqaba. Ảnh: OceanX
Con tàu đắm và con mực được tìm thấy ở độ sâu khoảng 850m. Các nhà khoa học từ OceanX cho rằng đó là một con mực ma hay còn gọi là mực xà. Loài mực này có tên tiếng Anh là purpleback flying squid và tên khoa học là Sthenoteuthis oualaniensis.
9. Cá "ngoài hành tinh" kỳ dị
Tháng 12 năm nay, các nhà nghiên cứu của MBARI đã bắt gặp một con cá mắt thùng (Macropinna microstoma) ở độ sâu khoảng 650m trong hẻm núi ngầm Monterey - một trong những hẻm núi ngầm sâu nhất ở Thái Bình Dương. Đặc biệt, các nhà khoa học của MBARI mới chỉ phát hiện loài này 9 lần trước đó, mặc dù đã hoàn thành hơn 5.600 chuyến lặn trong môi trường sinh sống của loài cá này.
Các nhà sinh vật biển vừa phát hiện cá mắt thùng ở ngoài khơi bờ biển của Mỹ. Ảnh: MBARI
Điểm khác biệt đáng chú ý của con cá kỳ lạ và hiếm thấy này là có hai vết lõm nhỏ ở vị trí thường là nơi có 2 con mắt của những loài cá khác. Đôi mắt thật của cá mắt thùng là hai hình cầu màu xanh phát sáng ở phía trên đỉnh đầu. Với đôi mắt ở vị trí đặc biệt, sinh vật biển sâu kỳ dị này có thể quan sát vùng nước phía trên để tìm thức ăn.