Một nghiên cứu mới từ dự án “Biển quanh ta” của Viện Nghiên cứu Nghề cá và Đại dương, thuộc Đại học British Columbia khám phá rằng trong giai đoạn 1950 - 2010 có 27% lượng thủy sản thương mại cập bến đã được “chuyển hướng” sang sử dụng cho mục đích khác khác hơn là tiêu dùng trực tiếp.
Xu hướng này không thay đổi trong những năm gần đây và đã đặt ra một vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh lương thực, khi hầu hết các loài cá “chuyển hướng” được phân loại là dùng trong chế biến thực phẩm hoặc là thực phẩm chính.
18 triệu tấn cá đã và đang được sử dụng riêng cho sản xuất bột cá và dầu cá. Đây là những nguyên liệu thường được dùng chế biến thức ăn trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tim Cashion, một nhà nghiên cứu của dự án và là tác giả chính của nghiên cứu "Đa số cá dành cho sản xuất bột cá là cá dùng trong chế biến thực phẩm" cho biết: việc sử dụng các nguồn thủy sản tốt nhất để chế biến thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản, heo, gà là một nguyên nhân gây ra quan ngại khi thủy sản là một nguồn dinh dưỡng và protein động vật quan trọng cho 2,9 tỷ người trên thế giới.
Hơn thế, thủy sản được sử dụng để nuôi các loài thủy sản khác thường được khai thác từ vùng biển của các nước đang phát triển. Điều này đã gây áp lực lên trữ lượng thủy sản và làm giảm cơ hội tiếp cận với nguồn hải sản tươi sống của người dân địa phương. Nói chung, các cộng đồng “không an ninh lương thực” này cũng bị từ chối tiếp cận đến các sản phẩm nuôi trồng thủy sản cuối cùng, bởi vì hầu hết các sản phẩm này được xuất khẩu sang các nước phát triển.
Ngoài ra, Cashion và các đồng tác giả cũng cho thấy có sự gia tăng về số loài thủy sản không được sử dụng trực tiếp cho con người. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy do sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, cùng với sự suy giảm trữ lượng do khai thác quá mức các loài thủy sản truyền thống.