Hành động nóng
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành chỉ thị yêu cầu tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá của tỉnh này đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm, tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm.
Tổ chức thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc khai thác, tiêu thụ, chế biến hải sâm, hải sản quý hiếm trái phép.
Các tàu cá khai thác hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90 CV trở lên (kể cả tàu dịch vụ hậu cần thủy sản) phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để xúc tiến đưa tàu cá và ngư dân của tỉnh sang hợp tác đánh bắt thủy sản hợp pháp tại vùng biển các nước.
UBND tỉnh yêu cầu, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến, kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định.
Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp để nắm bắt tình hình, phối hợp với Bộ đội Biên phòng lập kế hoạch điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật hoặc môi giới, chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.
Trong thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương có lượng tàu cá và ngư dân vào các vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản và bị bắt giữ khá nhiều. Trong số 239 ngư dân bị Indonesia trả về nước thì có tới 110 ngư dân của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quy định mới của Mỹ
Chỉ đạo trên của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được coi là nhân tố quan trọng trong việc thích ứng với quy định chống khai thác bất hợp pháp và gian lận thương mại với các DN thủy sản Việt Nam.
Kể từ đầu năm 2018, Mỹ sẽ tăng cường giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản. Đó là cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá mú, cá nục, cua, tôm, bào ngư, hải sâm, cá tuyết nhập khẩu vào nước này.
Bà Heather Brandon, chuyên gia của NOAA cho biết, theo quy định này, mỗi lô hàng hải sản nhập vào Mỹ phải khai báo đầy đủ thông tin khai thác rất chi tiết như đánh bắt ở vùng biển nào, số hiệu tàu, sản lượng và ngư cụ đánh bắt.
Sau đó, hải sản được tập kết tại điểm thu mua nào, vận chuyển, bảo quản ra sao và thông tin quá trình DN thu mua đến chế biến, bảo quản, xuất khẩu cũng phải được nêu rõ.
Đáng chú ý, hồ sơ lưu về chuỗi lưu giữ, các tài liệu theo dõi sản phẩm từ khi thu hoạch đến thời điểm được đưa vào Mỹ phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong thời hạn hai năm và cơ quan kiểm tra có thể yêu cầu trình xuất bất cứ lúc nào.
"Ngay cả khi lô hàng đó đã được tiêu thụ nhưng nếu NOAA phát hiện khai báo thiếu, sai thì đơn vị nhập khẩu cũng bị xử phạt theo quy định. Trường hợp lỗi vi phạm nhẹ thì phạt tiền theo giá trị lô hàng, nặng thì rút giấy phép nhà nhập khẩu, nặng hơn có thể phạt tù", bà Heather Brandon nhấn mạnh.