Cải xanh được người dân gieo trồng phổ biến ở các vùng quê vào mùa mưa. Cách trồng đơn giản, chỉ cần mua hạt về, đem gieo, cứ độ mười ngày nửa tháng là bắt đầu dùng. Theo kinh nghiệm của các bậc lão nông quê tôi, ăn cải xanh đảm bảo nhất là vào mùa mưa. Bởi, trời mưa rả rích giúp cải phát triển tự nhiên và xanh tốt, con người ít chăm bón phân thuốc hơn các mùa khác trong năm.
Cải xanh có thể chế biến kết hợp đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau: từ các loại thịt như thịt bò, thịt heo đến các loại hải sản như cua, tôm, mực... Các món được chế biến từ cải xanh đều rất ngon, đặc biệt cải xanh nấu canh với ruốc. Nguyên liệu dùng để chế biến món này rất dễ tìm. Chỉ cần ra vườn nhà, cắt vài bụi cải, đem vào rửa thật sạch, dùng dao cắt thành từng đoạn nhỏ cỡ 2 - 3 cm, để ráo nước.
Ruốc (có nơi gọi là tép, moi) là loài thủy sinh, có hình dạng như tôm nhưng nhỏ hơn con tôm gấp nhiều lần. Ruốc có mặt hầu như khắp các vùng biển Việt Nam, thường xuất hiện nhiều vào tháng tư và tháng mười dương lịch. Khi đến mùa ruốc, ngư dân miệt biển như vào hội, già trẻ, trai gái nô nức đua nhau xúc, vớt ruốc phơi khô, làm mắm hoặc đem ruốc mới xúc, còn tươi đến các phiên chợ để bán. Bởi vậy, mùa này muốn có con ruốc tươi để chế biến các món ăn ngon, người nội trợ phải chịu khó ra chợ thật sớm chọn mua. Đem về rửa thật sạch, ướp chút gia vị để khi nấu canh, nồi canh thêm phần đậm đà.
Chuẩn bị các nguyên liệu đâu vào đấy, bắc nồi nước vừa đủ ăn, có nêm đầy đủ gia vị, cho ruốc vào trước, đun sôi vài dạo sau đó cho cải xanh vào. Khi cho cải vào nồi nước sẽ hạ nhiệt. Bởi vậy, chờ nước sôi lại cỡ năm phút thì tắt bếp nhấc xuống, múc ra tô và thưởng thức. Đặc điểm của cải xanh khi nấu canh với ruốc, cọng cải rất “hiền”, ít cay, ít đắng tạo nên món ăn ngon ngọt.