Khoảng 16 giờ ngày 22/2/2018, lúc đi ngang qua ấp Phước Trinh B (Long Phước- Long Hồ), tình cờ tôi phát hiện có một số người cầm rổ đang loay hoay ở dưới sông. Thấy vậy, tôi dừng lại và hỏi một người dân ở trên lộ thì được biết có người vừa rải thuốc Fastac 5EC xuống trũng nước dưới sông và đang cầm sẵn rổ chờ cá thấm thuốc, ngoi đầu lên để vớt.
Có lẽ, những người dùng thuốc để bắt cá chỉ nghĩ đơn giản là làm sao bắt cho được nhiều cá. Tuy nhiên, hành động dùng thuốc hóa học rải để bắt cá như thế không chỉ dừng lại ở việc bắt được cá nhiều hay ít, mà nó còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường.
Trước hết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người ăn phải thủy sản ngấm thuốc.
Kế tiếp, dùng thuốc để bắt cá là hành động mang tính chất tận diệt. Như chúng ta biết, khi thuốc được rải trên sông, thì thuốc sẽ hòa lẫn vào nguồn nước. Nước chảy tới đâu thì cá chết tới đó (tùy theo nước nhiều hay ít). Không chỉ riêng loài cá, mà các loài sinh vật khác như tôm, tép… sống dưới nước từ lớn đến nhỏ đều chết sạch.
Điều đáng quan tâm nhất là việc làm đó trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Trên sông thì có nhiều loại sinh vật sinh sống, trong khi đó người bắt thì chỉ lựa chọn những con cỡ lớn, còn những con cỡ nhỏ thì cứ mặc kệ. Những loài thủy sản đã chết còn sót lại trên sông sẽ bị ươn, làm ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, hiện tại còn rất nhiều người dân sử dụng nguồn nước từ sông để phục vụ trong sinh hoạt đời sống hàng ngày như: ăn uống, tắm rửa… Do đó, khi thuốc hóa học được rải trực tiếp trên sông sẽ dần dần lan truyền, hòa lẫn vào dòng nước. Một khi con người sử dụng nguồn nước này thì chắc chắn việc ảnh hưởng đến sức khỏe là điều không tránh khỏi.
Thiết nghĩ, việc dùng thuốc hóa học để bắt thủy sản đang là một vấn nạn nguy hiểm. Qua bài viết này mong người dân hãy nâng cao ý thức trong việc đánh bắt thủy sản, đồng thời chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm vào cuộc để ngăn chặn, xử lý kịp thời, góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sức khỏe của người dân.