Có dịp về vùng sông nước miền Tây tôi có duyên được thưởng thức một loài cá ngon nổi tiếng xứ này đó là món cá dứa kho. Sáng sớm nếu chịu khó ghé chợ rất có thể mua được những con cá dứa vừa mới đánh bắt bằng cách bủa chài, giăng lưới.
Cá còn tươi rói, nhảy xoi xói trong thau, trong rổ. Con cá dứa không lớn, kích thước cỡ chừng 2 ngón tay người lớn nên có người gọi vui là “cá nhi đồng”, nhưng về độ ngon, béo thì xứng đáng được xếp trong tốp loài cá đặc sản xứ sở miền Tây sông nước.
Theo những người chuyên nghề hạ bạc, cá dứa thường xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 4 âm lịch trở đi. Đặc điểm của loài cá này là ăn các sinh vật phù du trôi nổi, trái bần, trái mắm. Ngày nay, có thể thấy chúng quần tụ tại các làng bè để ăn theo các thức ăn dư thừa từ lồng cá rơi ra…
Người làm nghề hạ bạc còn kể với nhau rằng khi vào mùa mưa, cũng là lúc trái bần, trái mắm bắt đầu chín rụng, cũng là lúc từng đàn cá dứa trưởng thành trọng lượng cỡ vài ký bắt đầu xuất hiện để tranh mồi.
Với tính háu ăn, chúng ăn cho đến khi nào bụng căng phình không thể lặn sâu mà nổi dập dềnh trên mặt nước mới chịu thôi ăn. Vào thời điểm này, người dân chỉ cần bơi xuồng theo con nước dùng chĩa đâm là có thể bắt vài chục ký cá dứa dễ dàng!
Cá dứa “nhi đồng” khi mua về, cắt mang, vây, bỏ ruột, dùng muối rửa sạch nhớt, rồi xếp vào nồi, sau đó ướp với mắm ngon, nước màu, đường, bột ngọt, củ hành tím, ớt hiểm đâm nhuyễn trong khoảng 15 phút, nếu muốn ngon hơn có thể thêm chút nước dừa rồi đun lửa lớn cho cá vừa chín, canh chừng khi còn xăm xắp nước thì để lửa cháy liu riu cho đến khi nước gần cạn thì bỏ thêm chút tóp mở, rắc chút tiêu xay vào. Trước khi tắt bếp, bỏ lên trên một chút hành lá xắt nhỏ cho nồi cá dậy mùi thơm.