Bà Smita Pant cho biết Chính phủ Ấn Độ có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư trong ngành này theo hình thức 100% vốn nước ngoài, đáng chú ý là ở các địa phương như vùng Andhra Pradesh, vùng Odisha hay ở bang Tamil Nadu.
Cụ thể, vùng Andhra Pradesh từ đây đến năm 2020 ưu tiên phát triển nghề cá và thương mại đối với sản phẩm thủy- hải sản, phát triển hồ chứa và cá cảnh.
Vùng Odisha có những ưu đãi cần thiết và ngày nghỉ không tính thuế cho những người nuôi cá quy mô lớn sản xuất từ 10 tấn/ha trở lên.
Tại bang Tamil Nadu, các liên doanh đánh bắt sẽ được xúc tiến đầu tư trong khu kinh tế đặc biệt và ở vùng biển Ấn Độ...
Nằm trong chiến dịch "Make in India" (Sản xuất tại Ấn Độ), Chính phủ nước này đang mời gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào quốc gia có thị trường đông dân thứ hai thế giới này (tới 1,3 tỉ người).
Bà Tổng lãnh sự kiến nghị tỉnh An Giang sớm tổ chức phái đoàn doanh nghiệp trong ngành thủy sản đi thực địa ở ba địa phương này, đáng chú ý là đầu tư vào những dự án đang được khuyến khích như tạo nguồn giống cá ở Ấn Độ. Theo bà Smita Pant, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ở tỉnh An Giang có kỹ năng tốt trong việc nuôi- chế biến cá da trơn và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới… nên sẽ thuận lợi khi đầu tư vào Ấn Độ. Mặt khác, một số doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh An Giang, cũng đã xuất khẩu mặt hàng cá basa sang Ấn Độ.
Tại cuộc giao lưu, ông M. Ramesh Anand, Giám đốc điều hành Công ty Canopus, một doanh nghiệp kinh doanh thương mại của Ấn Độ, cho biết công ty ông đã nhập khẩu nhiều mặt hàng cá basa tiêu thụ ở thị trường Ấn Độ và một số nước châu Phi. Sản phẩm cá basa đang được ưa chuộng ở thị trường Ấn Độ, trong đó đáng chú ý là nhiều khách sạn lớn 4-5 sao cũng chế biến sản phẩm này cho thực khách. Do đó, theo ông, tiềm năng tiêu thụ sản phẩm này ở Ấn Độ là rất lớn. Ông kêu gọi doanh nghiệp chế biến thủy hải sản An Giang đến tìm hiểu để xuất khẩu.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc giao lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng những thông tin về việc tiêu thụ cá basa của Ấn Độ cho thấy đây là cơ hội cho doanh nghiệp của tỉnh mở rộng thêm thị trường xuất khẩu thay vì chủ yếu tập trung ở thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... Ông Bình cho biết tỉnh sẽ sớm tổ chức đoàn doanh nghiệp đến khảo sát thị trường Ấn Độ.
Theo ông Bình, tiềm năng trao đổi thương mại giữa An Giang và Ấn Độ còn rất lớn, trong khi mức tăng trưởng xuất- nhập khẩu giữa hai bên còn khá khiêm tốn. Cụ thể giao thương hàng hóa giữa tỉnh An Giang và Ấn Độ năm 2016 ước đạt tổng kim ngạch gần tám triệu đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu của An Giang đạt gần 2,2 triệu đô la Mỹ, tăng 22,33% so với cùng kỳ năm 2015 và nhập khẩu từ thị trường nước này đạt gần 5,8 tỉ đô la Mỹ.
Tại buổi giao lưu, tỉnh An Giang muốn giới thiệu các doanh nghiệp có thế mạnh phát triển của tỉnh hoạt động trong ngành hàng rau quả đông lạnh và ngành hàng chế biến sản phẩm cá tra/basa. Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng muốn giới thiệu về các sản phẩm du lịch, đáng chú ý là thế mạnh du lịch tâm linh, đến du khách Ấn Độ.
Ngược lại, ông Bình cho rằng Ấn Độ có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tỉnh An Giang mong muốn được kết nối hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực lập trình viên phần mềm chuyên sâu, đủ năng lực đáp ứng sự phát triển xã hội thời kỳ mới.