Nhẹ quẩy mái chèo đưa chiếc xuồng con gối đầu lên bãi đất cặp kênh Vĩnh Tế, ông Nguyễn Văn Chiến (người dân xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) khoe: “Hổm rày cá chạy khá lắm. Năm nay, nước lớn nên dân câu lưới như tui có đồng vô kha khá. Từ giữa tháng 7 (âm lịch) tới giờ, ngày nào tui cũng đi bủa lưới kiếm được 5-7kg cá ở cánh đồng giáp biên. Tui giăng lưới 3 phân, 3 phân rưỡi nên chỉ dính cá lớn. Được cái nước lớn, cá dính gấp 2-3 lần mùa nước năm trước nên đỡ lắm, chỉ mong trời thương cho kiếm ăn ngon lành từ đây tới nước vực”.
Dân câu lưới bội thu mùa cá đồng
Trên đôi mắt nhăn nheo vì nắng gió đồng xa của lão nông ngoài 60 này ánh lên niềm vui, bởi ông biết rằng mùa cá năm nay sẽ “thạnh” hơn mấy năm trước. Giở tấm vạt đậy khoang xuồng, ông Chiến khoe với chúng tôi cá rô đồng vừa bắt được sáng nay. Những con cá rô đồng thon dài, đen trùi trũi quẩy đuôi lạch tạch trong khoang xuồng, là công sức của lão ngư dân cả đời lam lũ nắng sương. “Cá cỡ 3 phân rưỡi này, bạn hàng ghé cân với giá 55.000 đồng/kg. Con nào 4 phân, mình lựa ra bán với giá 70.000 đồng/kg. Năm nay, cá đồng nhiều nên giá sụt chút xíu nhưng được cái sản lượng cao nên cũng yên tâm. Mấy con cá ngộp thì tui kêu má tụi nhỏ kho sả ớt, tháng nước lên này chỉ cần siêng một chút là không sợ đói” - ông Chiến thiệt tình.
Dọc theo mấy tuyến kênh Tha La, Trà Sư, Vĩnh Tế là những chiếc xuồng con lặng lẽ nằm nghỉ sau những đêm dài đi bắt cá đồng xa. Với dân câu lưới, mùa lũ là mùa làm ăn tốt nhất trong năm nên ai cũng ráng tranh thủ kiếm nguồn thu. Họ thường thức dậy vào lúc giữa đêm, dong xuồng ra tận đồng sâu để bủa lưới bắt những con cá tươi ngon nhất về bán tại chợ Tha La khi bầu trời còn tranh tối, tranh sáng. Cái chợ quê đúng chất này là đầu mối tiêu thụ cá đồng của dân câu lưới mấy chục năm qua. Bởi vậy, có người còn tự tin rằng, muốn ăn cá đồng ngon, cứ đến chợ Tha La thiệt sớm để mua cho đã.
Cũng mưu sinh nhờ lũ, anh Trần Văn Hiền (người dân xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) gắn bó với nghề làm ụ lươn. Anh Hiền chia sẻ, nghề làm ụ lươn có từ hồi nào không biết nhưng nó là cách khai thác thủy sản “thân thiện với môi trường”. Bởi, anh chỉ cần tìm mấy cây lục bình rồi chất thành từng đống ven bờ để tạo độ ẩm, sau đó bỏ ít mồi vào rồi đợi vài ngày sau lấy vợt đến xúc lươn về. Do khai thác theo kiểu “tự nhiên” nên sản lượng các ụ không đều nhau. “Có ụ được hơn ký lươn, có ụ chỉ vài con, có ụ chẳng có con nào. Thôi kệ, mình làm ụ lươn là tùy thuộc vào “bà cậu” nên không đòi hỏi nhiều. Mấy ngày nay, tui kiếm cũng được 3-4kg lươn/ngày, bạn hàng cân với giá 150.000-170.000 đồng/kg. Không chỉ dính lươn mà mấy cái ụ này cũng dụ được cá vô ở, nó giống như mấy đống chà người ta chất dưới sông vậy”- anh Hiền cho hay. Theo anh Hiền, tháng mùa khô anh làm ruộng, tháng mùa nước làm ngư dân. Anh không ngại cực khổ, miễn sao có thể kiếm thêm cho gia đình ít tiền trong tháng nước lên. “Do chỉ là nghề phụ, tui chọn cách bắt lươn, bắt cá tự nhiên chứ có người dùng xuyệt điện nên cá lớn, cá nhỏ chết ráo. Tùy vào điều kiện mỗi người, nhưng tui bằng lòng với mấy cái ụ lươn của mình. Chỉ mong năm nay nước lớn, “tổ đãi” những người chuyên sống nhờ con cá, con tôm như tụi tui, mấy năm rồi nước kém nên mình cực mà không được bao nhiêu” - anh Hiền trải lòng.
Nước ngoài đồng vẫn đầy ắp phù sa và mang nhiều cá, tôm “đãi” dân câu lưới. Có thể, lũ năm nay còn tiếp tục mang đến niềm vui cho họ khi lúc nước bêu đồng, sản lượng cá sẽ còn tăng vọt. Khi ấy, những ai sống nhờ nghề hạ bạc ắt sẽ nở nụ cười tươi với đôi mắt sáng niềm hy vọng, dù họ phải thức dậy lúc gà gáy nửa đêm để dong xuồng đi khắp đồng xa.