Ở một số địa phương người dân còn dùng động thực vật thủy sinh như rau muống, củ ấu, ngó sen, rau ngổ, sà lách soon… đặc biệt là ăn gỏi cá sống nhiễm bệnh nên bệnh lan tràn...
Định danh, chu kỳ của sán lá gan
Có hai loại sán lá gây bệnh là sán lá gan lớn (Fasciola hepatica và Fasciola gigantica) và sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis, sán lá gan Trung Quốc).
Sán lá gan lớn ký sinh trên các động vật có vú ăn cỏ, 46 loài vật nuôi và hoang dã, cũng như trong con người. Trứng theo phân ra ngoài nở thành ấu trùng lông bơi đến ký sinh trong các loài ốc đầm lầy nước đọng. Ấu trùng lông phát triển thành ấu trùng có đuôi bơi bám vào cá thực vật thủy sinh như củ sung, rau muống, ngó sen, rau ngổ, sà lách soong… người hoặc động vật ăn phải các loại rau nhiễm ấu trùng này sẽ mắc bệnh sán lá gan.
Chu kỳ sán lá gan lớn Fasciola hepatica
Sán lá gan nhỏ có chu kỳ sinh trưởng gần giống sán lá gan lớn, nhưng ấu trùng khi rời khỏi ốc sẽ bơi và ký sinh bên dưới vảy của các loài cá nước ngọt tạo nên các nang thũng dưới da cá. Chó, mèo, các động vật ăn thịt khác và cả người khi ăn cá sống các ấu trùng có đuôi này sẽ nở trong ruột, sau đó những con giun non sẽ đến ống mật gan và gây bệnh cho vật chủ.
Chu trình sinh trưởng sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis
Những căn bệnh do sán lá gan
Sau khi ăn phải nang trùng sán lá gan, vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang bị phá hủy giải phóng ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành tá tràng vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan. Tại gan ấu trùng chui vào nhu mô sinh trưởng, phát triển và tiết ra các chất độc phá huỷ nhu mô gan. Sau khoảng 2-3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán trưởng thành và bắt đầu có thể đẻ trứng và chu trình mới lại xoay vòng. Một số ít trường hợp, ấu trùng di chuyển lạc chỗ, chúng không đến gan mà đến một số cơ quan khác như da, cơ, vào khớp, vào vú, thành dạ dày...và gây bệnh ở đó. Thống kê trên người cho thấy: ấu trùng ký sinh tạo những bọc nước lớn chứa nhiều đầu sán ở gan (65%), ở phổi (10%) và còn lại ở một số cơ quan khác như thận, não, khớp….
Nhiễm sán lá gan nhỏ cấp tính hầu như không có triệu chứng gì, thường khi sán nhiều đến vài nghìn con mới có dấu hiệu đau bụng, viêm nghẽn đường mật. Nhiễm sán lá gan nhỏ mãn tính, gây viêm đường mật, xơ hóa của các ống dẫn và tổn thương nhu mô gan kế cận. Nhiễm sán lá gan nhỏ gây viêm tái phát viêm đường mật và liên quan chặt chẽ với ung thư đường mật, có thể gây tử vong. Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) xếp nhiễm sán lá gan nhỏ vào Nhóm 1 gây ung thư cho con người.
Các dấu hiệu gợi ý sán lá gan
Nói chung, triệu chứng nhiễm sán lá gan thường mơ hồ như đau bụng, cảm giác khó chịu vùng hạ sườn phải. Bệnh nhân thường chán ăn, buồn nôn, đau cơ, nổi mày đay, sẩn ngứa....
Hai dấu hiệu cận lâm sang quan trọng là siêu âm bụng thấy có khối u trong gan và xét nghiệm công thức máu có tình trạng tăng miễn dịch dị ứng thể hiện là bạch cầu ưa a xít (acidophile hay eosinophile) tăng cao.
Xét nghiệm vàng (gold standard test) là xét nghiệm miễn dịch ELISA để xác định chắc chắn có sán lá gan trong cơ thể.
Đôi điều bàn luận
Nhiễm sán lá gan là bệnh lan truyền đường tiêu hóa, liên quan chặt chẽ đến vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay, ở một số địa phương người dân còn dùng động thực vật thủy sinh như rau muống, củ ấu, ngó sen, rau ngổ, sà lách xoong… đặc biệt là ăn gỏi cá sống, hay ăn sống “nguyên con” cá nước ngọt vốn đầy rẫy vi khuẩn, ký sinh trùng.. khiến khả năng mắc bệnh rất cao.
Người Nhật rất tự hào về các món ăn có hải sản sống như Sushi (cơm nắm cá sống), Tempura (tôm, rau tẩm bột rồi đem rán) hay Sashimi (món ăn hải sản tươi sống với rau). Nếu để ý quan sát, chúng ta thấy họ thường chọn cá biển như cá ngừ đại dương, cá thu, mực nang, tôm hùm lớn…và họ thường dùng thêm nước sôi, mù tạt, chanh, gừng, dấm để khử trùng….
Ăn uống mang lại năng lượng, sức khỏe và ăn uống cũng là cái đầu tiên trong “tứ khoái”. Nhưng ăn “bẩn”, ăn mất vệ sinh là “tự đào mồ bằng chính bộ răng của mình” !!!