Bên cạnh đó, việc sử dụng các thiết bị nuôi tôm một cách an toàn, đúng đắn cũng là 1 yếu tố quan trọng không chỉ bảo vệ an toàn về sức khỏe cho cả người sử dụng và tôm nuôi mà còn bảo đảm được về mặt chất lượng.
Sự phát triển của ngành nuôi tôm
Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD.
Hiện nay, tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Theo VASEP, nước ta có hơn 600.000 ha nuôi tôm với hai loài tôm sú và tôm trắng. Các vùng nuôi chính tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với 5 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.
Năm 2023, dự kiến diện tích nuôi tôm là 750.000 ha (trong đó tôm sú 610.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha, con lại là tôm càng xanh và tôm khác), sản lượng tôm đạt hơn 1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.
Kỹ thuật sử dụng an toàn cho một số thiết bị nuôi tôm
Lựa chọn thiết bị quạt nước phù hợp với quy mô của ao nuôi tôm. Ảnh: Tép Bạc
Quạt nước: Trong quy trình nuôi tôm năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng bắt buộc phải sử dụng quạt nước. Người nuôi cần lựa chọn thiết bị quạt nước phù hợp với quy mô của ao nuôi tôm và vị trí lắp đạt thích hợp để đạt hiệu quả tối ưu, đồng thời tránh gây tổn hại đến vật nuôi (nếu đặt quá sâu). Ngoài ra, cần chú ý an toàn về nguồn điện trong quá trình sử dụng, nên lắp thêm các thiết bị chống giật để đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi tiếp xúc với nước.
Hệ thống lọc nước: Được sử dụng để loại bỏ các chất ô nhiễm và vi sinh vật có hại khỏi nước nuôi tôm. Nếu hệ thống lọc nước không được sử dụng đúng kỹ thuật, các tạp chất và vi khuẩn trong nước sẽ không được loại bỏ, dẫn đến ô nhiễm nước trong ao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ mắc các bệnh trên tôm. Người nuôi cần định kì kiểm tra và vệ sinh thiết bị nhằm đảm bảo không có sự tích tụ cặn bẩn, đồng thời cần đảm bảo an toàn điện và cách ly điện đúng cách khi sử dụng hệ thống lọc nước.
Hệ thống đèn chiếu sáng: Hệ thống đèn chiếu sáng được sử dụng để cung cấp ánh sáng cho bể trong quá trình nuôi. Ánh sáng có thể tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm, cũng như thúc đẩy quá trình đẻ trứng và nuôi trứng. Đèn chiếu sáng trong các ao, đầm phải sử dụng máng che bảo vệ, tránh nước mưa làm ẩm, gây dẫn điện.
Tầm quan trọng về an toàn khi sử dụng
Việc đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị trong nuôi tôm là rất quan trọng và cần thiết vì các thiết bị này có thể gây nguy hiểm cho vật nuôi, cho bản thân người nuôi tôm, cũng như ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị nuôi tôm trong ao nuôi. Ảnh: Tép Bạc
Ở tôm, sử dụng thiết bị không đúng cách có thể làm hại đến sức khỏe của chúng, gây stress và giảm năng suất. Chẳng hạn như, sử dụng quạt nước không đúng cách có thể gây tổn thương cho tôm, làm giảm sức đề kháng của chúng. Máy lọc nước dùng không đúng cách có thể loại bỏ cả vi sinh vật có lợi và gây ra rối loạn sinh học trong bể,..
Đối với người nuôi, sử dụng thiết bị không an toàn, không đúng cách có thể gây ra nguy hiểm như cháy nổ hoặc bị điện giật. Do đó, người nuôi tôm cần phải tuân thủ các quy định an toàn của nhà sản xuất và đảm bảo rằng các thiết bị được sử dụng đúng cách và thường xuyên được kiểm tra và bảo trì.
Các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng: Trước khi sử dụng bất kỳ thiết bị nuôi tôm, người sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu rõ các tính năng, chức năng và các biện pháp an toàn cần thiết.
Mua thiết bị từ các nhà sản xuất uy tín: Người nuôi tôm nên mua các thiết bị từ các nhà sản xuất uy tín, có tiếng và đảm bảo chất lượng để tránh mua phải các sản phẩm giả, kém chất lượng và không an toàn.
Lắp đặt và sử dụng đúng cách: Người nuôi tôm cần đảm bảo rằng các thiết bị nuôi tôm được lắp đặt đúng cách và sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Kiểm tra thường xuyên và bảo trì: Người nuôi tôm cần kiểm tra thường xuyên các thiết bị để đảm bảo chúng hoạt động đúng cách. Nếu phát hiện bất kỳ sự cố hay lỗi nào, cần ngay lập tức bảo trì hoặc thay thế bằng thiết bị dự phòng khác.
Sử dụng thiết bị an toàn: Người nuôi tôm nên sử dụng thiết bị nuôi tôm an toàn như máy bơm nước chống giật, ổ cắm điện an toàn, thiết bị bảo vệ nhiệt để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.