Axit folic đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhân lên của tế bào, điều hòa biểu hiện gen, hình thành tế bào máu, cũng như tổng hợp các hợp chất hóa học điều hòa hoạt động của não, trao đổi và sản xuất axit amin cũng như sinh tổng hợp nucleotide. Cá tầm cũng giống như các sinh vật nhân thực khác không thể tạo ra axit folic hoặc các dẫn xuất có hoạt tính liên quan, do đó phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ thức ăn. Các triệu chứng phổ biến của thiếu axit folic bao gồm tăng trưởng kém, suy giảm khả năng tạo máu, chán ăn, vây đuôi mỏng, da sẫm màu, lá lách nhỏ và nhạy cảm hơn với các bệnh nhiễm trùng do vi rút, vi khuẩn. Trên thực tế, axit folic có thể dễ dàng bị phá hủy bởi ánh sáng mặt trời hoặc nhiệt trong quá trình chế biến bằng máy ép đùn.
Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có báo cáo nào liên quan đến tác động của thức ăn bổ sung axit folic đối với cá tầm giống Siberi (A. baeri). Vì thế, nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của thức ăn bổ sung axit folic đối với hiệu suất tăng trưởng, thành phần thân thịt, các thông số huyết học, hoạt động chống oxy hóa và phản ứng miễn dịch của cá tầm giống Siberi.
Cá tầm giống được lấy từ một trang trại cá địa phương (Rudsar, Iran) thích nghi trong hai tuần. 45 con cá tầm giống (4,36 ± 0,18g) được thả ngẫu nhiên vào mỗi bể cho ăn thức ăn bổ sung axit folic lần lượt với liều lượng: 1,5; 2,5; 3,5; 4,5 và 5,5 mg/kg trong vòng 8 tuần. Lượng thức ăn mà cá tiêu thụ trong mỗi bể đã được ghi lại hàng ngày. Khi kết thúc thử nghiệm, tất cả cá đều cho nhịn ăn trong 24 giờ, gây mê, tiến hành thu mẫu để đánh giá.
Kết quả phân tích chỉ ra rằng hiệu suất tăng trưởng của cá tầm Siberi tăng mạnh, tế bào hồng cầu (RBCs), bạch cầu (WBCs), hemoglobin (Hb), hematocrit (Hct) và số lượng tế bào lympho cho thấy mối tương quan thuận, điều này có thể là do hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện nhờ vào việc bổ sung axit folic. Mặc dù hoạt động của các enzym tiêu hóa chưa được xem xét kỹ lưỡng trong nghiên cứu hiện tại, nhưng ảnh hưởng của axit folic đối với sự tổng hợp protein ở cá tầm Siberi bằng cách tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc tổng hợp nhiều axit amin hơn đã được chứng minh. Động vật thường hấp thụ axit folic từ phần trên của ruột non và dự trữ nó trong gan như cơ quan lưu trữ chính, tham gia vào một số phản ứng trước khi đi vào hệ thống tuần hoàn máu.
Trong nghiên cứu này, nồng độ axit folic trong gan tăng lên khi nồng độ axit folic trong thức ăn tăng lên. Các kết quả tương tự cũng đã được báo cáo ở cá rô phi giống và cá mú cho thấy rằng hàm lượng axit folic trong gan phản ánh lượng axit folic trong thức ăn và có thể được sử dụng như một chỉ số thích hợp để đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở cá tầm Siberi. Bên cạnh đó, thử nghiệm axit folic đã được tiến hành ở nhiều động vật thủy sinh khác đạt được các kết quả khác nhau bao gồm 0,3−0,6 mg/kg đối với cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss); 0,8 mg/ kg đối với cá mú giống (Epinephelus malabaricus); 1,06–2,08 mg kg-1 đối với cá trắm cỏ giống (Ctenopharyngodon idella); 2,0 mg/kg cho tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) và 1,9–2,1 mg/kg đối với tôm sú (Penaeus monodon).
Các chỉ số huyết học được biết đến như là công cụ chẩn đoán mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản sử dụng rộng rãi trong việc theo dõi tình trạng sức khỏe của cá nuôi. Thiếu axit folic ở động vật đặc trưng bởi thiếu hồng cầu và biếng ăn do đó dẫn đến chậm lớn. Nghiên cứu hiện tại cho thấy số lượng hồng cầu và bạch cầu được cải thiện đáng kể bằng cách bổ sung axit folic, tăng cường khả năng chống lại stress oxy hóa thường xảy ra trong điều kiện nuôi trồng thâm canh để thúc đẩy khả năng miễn dịch và chống lại mầm bệnh. Ngoài ra, lysozyme hoạt động như một chất trung gian nội sinh chống lại ký sinh trùng, nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút, việc bổ sung axit folic giúp cải thiện nồng độ lysozyme cũng như cải thiện khả năng miễn dịch bẩm sinh của cá tầm Siberi.
Nhìn chung, kết quả hiện tại đã chứng minh rằng bổ sung axit folic trong thức ăn có thể cải thiện đáng kể hiệu suất tăng trưởng, khả năng hấp thụ thức ăn, hàm lượng protein thô, các thông số huyết học, tình trạng chống oxy hóa và phản ứng miễn dịch của cá tầm Siberi được ước tính nằm trong khoảng 1,82-4,41 mg/kg.
References: Dietary folic acid improved growth performance, immuno-physiological response and antioxidant status of fingerling Siberian sturgeon, Acipenser baerii (Brandt 1896).Jamalzad Falah, F., Rajabi Islami, H., Shamsaie Mehrgan, M., 2020. Aquac. Reports 17, 100391. https://doi.org/10.1016/j.aqrep.2020.100391