Các căn cứ của bản án, giống với lý luận của UBND tỉnh, đương nhiên, dựa vào các quy định của ngành lâm nghiệp.
Một bản án công bằng là một phán quyết không thể có nạn nhân. Nhưng hôm qua, bản án của Quảng Bình có thể sẽ đẩy hàng ngàn nông dân trên khắp cả nước trở thành nạn nhân của sự bất nhất.
Là nạn nhân bởi Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT), khẳng định: "Ba ba có tên latin là Trionyx sinensis thuộc loài ba ba hoa, là đối tượng được nuôi và sản xuất thông thường theo Quyết định 57 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT ngày 2.5.2008 về danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh". Trong khi, cơ quan kiểm lâm cũng thuộc Bộ này lại khẳng định ba ba là động vật hoang dã.
Là nạn nhân bởi tại chính ở tỉnh Quảng Bình, quyết định phê duyệt chương trình phát triển thủy sản tỉnh này giai đoạn 2006-2010 nêu rõ: Ba ba là đặc sản cần được chú trọng phát triển, chủ động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung cấp con giống và tiêu thụ sản phẩm”. Trong khi đó, cũng chính tại Quảng Bình, cũng là UBND tỉnh, ra quyết định xử phạt, tịch thu vì cho rằng ba ba là “động vật hoang dã”.
Tóm lại, ba ba trong văn bản của cơ quan nhà nước này thì là “thủy sản” bơi dưới nước; còn trong văn bản của cơ quan nhà nước kia thì lại là “động vật hoang dã” bò trên rừng.
Cũng không thể hiểu vì sao, cũng là quy định nhà nước, TAND lại chỉ căn cứ vào những gì được cho là có lợi cho lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Tiền lệ Quảng Bình có lẽ, sẽ còn tạo ra một hậu quả nguy hiểm, bởi nếu đó là công lý thì 62 tỉnh, thành còn lại sẽ phải cho “bắt giữ” hay đòi giấy phép của kiểm lâm cho ba ba, loài vật vừa biết bơi vừa biết bò, từ cả chục năm nay vẫn được nuôi trong ao.
Một bản án “vì lãnh đạo”, một bản án chặn đường tiêu thụ thủy sản, cũng là đường sống một cách hợp pháp của nhiều nông dân, rõ ràng là một bản án mà công lý không được tôn trọng.