Nông dân nuôi cá điêu hồng nhưng không bán được vì tin nhiễm chất cấm. Chi cục Thủy sản Đồng Tháp bác bỏ tin này. Ảnh: Gia Bảo.
Kỹ sư Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, chi cục vừa nhận công văn của Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP HCM về việc phát hiện chất Trifluralin trên mẫu cá điêu hồng lấy từ chợ Bình Điền.
Mẫu cá này được cho là có nguồn gốc từ Đồng Tháp. Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP HCM đề nghị Chi cục Thủy sản Đồng Tháp phối hợp kiểm tra xử lý việc sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.
"Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra nơi cung cấp thức ăn, các bè nuôi cá điêu hồng trên địa bàn tỉnh, lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng không phát hiện mẫu cá nào có chứa Trifluralin", ông Vũ khẳng định.
Chi cục trưởng Thủy sản Đồng Tháp cũng tỏ ra rất bức xúc: “Chúng tôi khẳng định thông tin cá nhiễm chất cấm có nguồn gốc từ Đồng Tháp là chưa thỏa đáng về mặt khoa học”.
Nông dân nuôi cá điêu hồng nhưng không bán được vì tin nhiễm chất cấm. Chi cục Thủy sản Đồng Tháp bác bỏ tin này. Ảnh: Gia Bảo.
Kỹ sư Vũ cho biết, qua xác minh, các thương lái thu mua cá điêu hồng đi bán ở chợ TP HCM như ông Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Văn Bình mà Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP HCM cung cấp đúng là thương lái cá ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, ông Bình xác nhận không thu mua cá điêu hồng. Còn ông Hùng cho biết "có thu mua cá điêu hồng không chỉ ở Đồng Tháp mà còn từ các tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do thời gian quá lâu và lại không có lưu sổ sách ghi chép nên không nhớ rõ".
Riêng ông Vũ cho biết thêm mẫu cá bị nhiễm chất cấm là mua từ hộ ông Nguyễn Hoàng Nhân. Tuy nhiên qua kiểm tra sổ sách ghi chép tại hộ nuôi của ông Nhân không phát hiện có sử dụng hóa chất kháng sinh cấm, đặc biệt là hoạt chất Trifluralin.
Trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp cho rằng những thông tin nói là cá điêu hồng từ Đồng Tháp nhiễm chất cấm không chỉ gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, cho xã hội mà còn là cú hạ nốc ao người chăn nuôi, với hệ lụy nặng nề hơn cả những gì đã từng xảy ra với cá kèo và cá rô đầu vuông trước đây.
Hiện tại, toàn tỉnh Đồng Tháp có 1.765 bè nuôi cá điêu hồng, tập trung nhiều ở hai con sông Tiền và sông Hậu, mỗi vụ nuôi cho sản lượng trên 13.000 tấn. Theo Chi cục thủy sản Đồng Tháp, trước tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm, 922 hộ nuôi loại cá này ở tỉnh không thể bán được hàng.
Cá đến ngày xuất bán phải tiếp tục nuôi, nông dân tốn thêm khoản chi phí thức ăn. Giá cá hiện nay xuống thấp, giá tại bè chỉ còn 24.000-25.000 đồng một kg, trong khi đó nông dân đầu tư một kg cá từ 28.000-29.000 đồng. Như vậy nhà nông lỗ từ 4.000 đến 5.000 đồng một kg.