Ngày thường bán gần 200 con cá lóc nướng, doanh thu đến 40 triệu đồng
Thực ra món cá lóc nướng không phải là món ăn chỉ dịp Tết mới bán, và chỉ khi xuân về người dân mới thèm ăn. Con phố cá lóc nướng này hoạt động mỗi ngày, từ sáng đến tối muộn, không lấy lòng một nhóm khách đặc thù nào cả, là "nàng hậu" của mọi bữa ăn nhà. Người ta thường đến mua về ăn cho bữa chính cùng bún tươi, bữa phụ cuốn cùng bánh tráng rau sống, hoặc làm đồ nhắm lý tưởng cho các bữa nhậu ban chiều.
Theo dì Lóng, 58 tuổi - chủ của một hàng cá lóc nướng chia sẻ: "Mỗi ngày dì bán được khoảng 200 con cá lóc nướng, có người đến mua 1-2 con, có người mua cả 5-6 con, về ăn trưa ăn chiều. Giá mỗi con dao động từ 180.000đ - 200.000đ tuỳ theo kích cỡ, đa phần nặng tầm 1,3kg một con".
Gian hàng cá lóc Thi cũng chia sẻ: "Ngày thường số lượng bán tầm một trăm mấy con, nhưng đến mùa Tết thì sẽ khác, mọi người mua cá lóc nướng nhiều hơn, có thể vì cuối năm hay tổ chức ăn uống. Chưa kể cúng ông Táo sắp tới sẽ còn nhiều hơn nữa".
Ngày thường số lượng bán tầm một trăm mấy con, nhưng đến mùa Tết thì sẽ nhiều hơn. Ảnh: afamily.vn
Được biết, cá lóc được chọn và lấy từ chợ đầu mối Bình Điền, có giá sỉ khoảng gần 70.000đ/kg. Món ăn được bán ra với giá gấp đôi giá gốc chính vì độ khó khi nướng. Phải biết cách trở cá đều tay, kịp lúc và điều chỉnh lửa nướng. Hơn nữa, khách hàng sẽ được tặng kèm 1 phần đậu phộng mỡ hành, các loại rau sống, nước chấm... khi mua cá.
Thử nhẩm một bài toán, doanh thu của mỗi hàng ở đây một ngày thường có thể đến 40 triệu đồng, nhưng cuối tuần có khi hơn. Mỗi ngày bán khoảng 250kg cá lóc nhân với giá gốc, khoản tiền chênh lệch thu vào chỉ tính riêng phần cá dao động khoảng 20 triệu đồng. Trừ các khoản phụ như mặt bằng, chi phí than lửa, rau sống, nước chấm... thì thu nhập một ngày cũng phải hơn chục triệu.
Cúng ông Táo thì gấp đôi, vía Thần Tài thì bán gấp mười
Ai người miền Nam đều biết, cá lóc nướng là sự xuất hiện "bất di bất dịch" trong mâm cúng hai ngày đặc biệt dịp Tết âm lịch - ngày 23 tháng chạp tiễn ông Táo và mồng 10 Tết vía Thần Tài.
Ngày 23 tháng Chạp, nếu như lễ cúng ông Công ông Táo của người miền Bắc không thể nào thiếu cá chép, phương tiện để ông Táo về trời thì ở miền Nam, ngoài những lễ vật như trứng, thịt, tôm thì cá lóc là vật phẩm thường có. Người miền Nam truyền tai nhau rằng, cúng loại cá này tiễn ông Táo sẽ mang đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia đình và bày tỏ lòng mong cầu sự ấm no, đầy đủ và sung túc cho một năm mới.
Cá lóc dùng để cúng phải để nguyên con, không được cạo vảy, cắt đuôi. Ảnh: afamily.vn
Vào ngày vía Thần Tài, theo phong thuỷ cá lóc tướng cũng là vật phẩm cúng mang ý nghĩa may mắn tài lộc như ngày đưa ông Táo. Ngoài ra tục cúng cá lóc nướng có thể bắt nguồn từ nét văn hóa gắn liền với sông nước của vùng Nam Bộ, đây là một sản vật đặc trưng vùng miền nên dâng lên thần linh thể hiện lòng biết ơn chung, người dân trân trọng thiên nhiên mưa thuận gió hòa. Và vì cá lóc có thể sống tốt trong nhiều điều kiện khác nhau, cá lóc còn tượng trưng cho mong ước cuộc sống được trôi chảy thuận lợi.
Đặc biệt, cá lóc dùng để cúng phải để nguyên con, không được cạo vảy, cắt đuôi, vi cá để tưởng nhớ đến ông cha ta đã từng rất khó khăn, thiếu thốn trong thời đầu khai hoang. Thế nên, cá lóc nướng là món hiển nhiên trở nên đắt khách.
Nếu có bảng thống kê nghề thu nhập hấp dẫn ngày Tết, chắc "bán cá lóc nướng" phải đứng đầu. Nghe số cá được bán ra khoảng 400 con ngày cúng ông Táo và gần 4000 con ngày vía Thần Tài, chưa kịp tính cũng biết doanh thu xếp dài nhiều số 0. Và chắc chắn, đây là một trong những nghề có khởi đầu kinh doanh năm mới cần "trộm vía" gấp mấy lần nghề khác.