Nhóm chuyên gia thuộc hai trường đại học Cambridge và Erasmus của Hà Lan đã sử dụng mô hình kinh tế để tính toán mức độ thiệt hại cụ thể trong trường hợp khối băng vĩnh cửu dưới biển Đông Siberian, vùng biển ở Bắc Băng Dương, tan chảy và giải phóng 50 gigatonne khí mêtan, với điều kiện nhiệt độ toàn cầu duy trì tốc độ tăng hiện nay.
Theo nhà nghiên cứu Chris Hope, nếu không có những biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng giải phóng khí mêtan nói trên có thể gây thiệt hại tới 60.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Con số khổng lồ này xấp xỉ tổng giá trị nền kinh tế thế giới đạt được trong năm ngoái là 70.000 tỷ USD.
Khoảng 80% mức thiệt hại trên sẽ "đổ" lên vai các nước đang phát triển, nơi sẽ phải đối phó với những hình thái thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán cũng như tình trạng sức khỏe cộng đồng suy giảm.
Nghiên cứu cảnh báo con số thiệt hại có thể lớn hơn nếu tính đến những yếu tố khác như quá trình axít hóa đại dương, song cũng có thể giảm, xuống khoảng 37.000 tỷ USD, nếu các chính phủ kịp thời có hành động đối phó với biến đối khí hậu.
Mêtan trong khí quyển là một khí gây hiệu ứng nhà kính. Ở môi trường áp suất lớn dưới đáy đại dương, mêtan tạo ra một dạng sàng rắn với nước, được gọi là mêtan hyđrat.
Nếu Trái Đất nóng lên đến một nhiệt độ nhất định, toàn bộ lượng mêtan này có thể một lần nữa bị giải phóng đột ngột vào khí quyển, khuếch đại hiệu ứng nhà kính lên nhiều lần và làm Trái Đất nóng lên đến mức chưa từng thấy.
Theo nghiên cứu, hiện tượng trên, nếu xảy ra, sẽ đẩy thời hạn nhiệt độ trung bình Trái Đất tăng vượt quá ngưỡng 2 độ C đến sớm hơn, trong khoảng 15-35 năm tới.
Trước đó, giới khoa học đã cảnh báo mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu cần giữ dưới 2 độ C để ngăn chặn những tác động nguy hiểm như mất mùa và tan băng./.