Bánh canh lên thực đơn có cái tên rất oách: “Bánh canh thần thánh”. Hỏi thực khách trong quán vì răng có tên lạ lùng ri, mấy nàng “xì tin” cười bí hiểm: “Chị ăn đi rồi biết”. Khách gọi, quán mới bật bếp nấu nhưng cũng khá nhanh. Bột lọc vo bằng tay sợ nhỏ, ngắn; nước xương bò trong, vị ngọt; gạch rạm béo, vàng ươm. Một ít tôm thiên nhiên, miếng chả cua thơm lựng, rong biển Hàn Quốc và cả những tai nấm tràm giòn búp được xào qua đã thấm gia vị tạo thành một “tổ hợp” đa sắc màu. Điều khiến mình thích nhất là mùi lá sân thoang thoảng, mùi tiêu nồng và vị ớt xanh cay cay, thơm thơm đúng điệu người Huế.
Nấm tràm giòn, thơm được xử lý khéo nên không còn vị đắng, vì vậy, những người nghiện nấm tràm sẽ thích thú với món ăn khá mới lạ này. Nhìn các bàn lân cận, thực khách xì xà xì sụp vừa ăn vừa trò chuyện ra chiều vui vẻ. Ai nấy đứng dậy trong tô láng e, sạch sẽ, có người còn gọi tô thứ hai ra ăn mới đã. Trò chuyện thêm với nữ chủ quán mới hay cái tên “thần thánh” chính là thể hiện sự hấp dẫn của món ăn đối với thực khách. “Thần thánh” khiến ai thử cũng mê và khiến danh tiếng quán ăn nhỏ trên đường Nhật Lệ này vang xa. Nhìn trên tường có thể thấy vô vàn hình ảnh khách nước ngoài ghé quán. Thì ra một món ăn tưởng là “kén” khách nhưng qua ý tưởng kết hợp truyền thống với hiện đại của cô chủ người Huế lại khiến nhiều người mê.
Xuất phát từ món bánh canh của quê chồng ở Quảng Trị, cô chủ quán ấp ủ ý tưởng, thử nghiệm đủ cách nấu để cho ra đời một món bánh canh đặc sản theo phong cách Huế. Cô chủ tự tay tuyển chọn nguyên liệu, xử lý và vào bếp phục vụ thực khách với tất cả niềm đam mê. Nấm tràm được thu mua, xử lý sạch sẽ, cấp đông hoặc phơi khô để có thể chế biến quanh năm. Nhiều khách đến ăn tò mò cách chế biến và được bà chủ “truyền” công thức để có thể thoải mái tự làm ở nhà. Có người nghiền quá, mua nước cốt về cấp đông hoặc mang tặng bạn bè; khi ăn chỉ cần ra chợ mua bột về, bật bếp, 10 phút là đã có thể thưởng thức.
Ghé ăn bánh canh mấy lần, lúc nào tôi cũng thấy những đứa trẻ ngồi ăn bánh canh nấm tràm ngon lành cùng mẹ, cả những vị khách nước ngoài cũng nhẩn nha ngồi nếm thử vị đăng đắng, nhân nhẫn thơm thơm của món ăn này trong những ngày se lạnh. Giữa tiết trời giá rét, nhiều khi thích thú vì trên bàn đủ các loại ớt tương, ớt dầm, ớt tươi bỏ sẵn khiến người ta có cảm giác, cô chủ rất hiểu ý và chăm chút cho khách.
Chị Liên, một khách quen hay tới đây bảo rằng, giá bánh canh rong biển nấm tràm bằng một tô bún bò nhưng chị hay ăn bởi không bị dị ứng bột ngọt, tất cả vị ngọt thơm rất tự nhiên. Thích nhất là quán thường “live streams” cách lựa chọn những nguyên liệu tươi ngon và chăm chút cẩn thận trong từng công đoạn chế biến. “Tụi nhỏ nhà mình rất mê, mình cũng muốn tự làm nhưng nhiều nguyên liệu, chuẩn bị lại quá công kỹ nên ghé quán ăn cho thuận tiện”, chị nói.
Nghe đâu công thức món bánh canh này được chuyển giao cho một quán ăn ở Quảng Ngãi và khiến thực khách ở đó mê mẩn. Nếu tò mò về bánh canh nấm tràm, bạn thử ghé quán ăn và hỏi cô chủ về cách chế biến nhé. Biết đâu bạn sẽ có một thực đơn mới tự phục vụ gia đình mình cũng nên, nhất là những ai lỡ “kết” nấm tràm.