NHU CẦU CẤP THIẾT
Tại lớp tập huấn, ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Cục SHTT, Bộ KH-CN) đã cung cấp cho các học viên những thông tin cụ thể về việc đăng ký, xác lập quyền, xây dựng quy chế và quản lý sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý… Qua đó, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, bảo hộ quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đang trở thành mối quan tâm chung của các ngành chức năng. Bảo hộ quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương góp phần làm nên sự thành công của thương hiệu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển ngành nghề truyền thống và các dịch vụ du lịch đi kèm; tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống địa phương…
Trong thời đại mà sự cạnh tranh hàng hóa trên thị trường gắt gao thì bảo hộ quyền SHTT chính là cách để nhà sản xuất bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, tránh sự lạm dụng, giả mạo và cạnh tranh không lành mạnh; gia tăng giá trị cho sản phẩm; hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm; tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất.
Bảo hộ quyền SHTT còn giúp người tiêu dùng có căn cứ để lựa chọn được các sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc đáng tin cậy; các sản phẩm chứa đựng thông tin về xuất xứ một cách rõ ràng và có thể truy ra nguồn gốc khi cần. Vì vậy, bảo hộ quyền SHTT nói chung, bảo hộ quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương nói riêng đóng vai trò quan trọng vào quá trình phát triển của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp ở địa phương trong tình hình nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao; thị trường hàng hóa ngày càng đa dạng và có sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
NỀN TẢNG ĐỂ PHÁT TRIỂN
Ở Việt Nam, theo nguồn tin từ “Dự án 68 về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ”, giá trị của các sản phẩm đặc sản đã không ngừng gia tăng khi được bảo hộ quyền SHTT. Cụ thể như, nước mắm Phú Quốc năm 2007 có giá 12.000 đồng/ lít thì đến năm 2009 tăng giá trị lên 75% với giá bán lên 21.000 đồng/lít. Tương tự, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, gạo tám Hải Hậu, vải thiều Lục Ngạn cũng tăng giá trị sản phẩm từ 40% đến 150% khi được bảo hộ quyền SHTT. Điều đáng nói, nhờ có SHTT mà một số đặc sản của Việt Nam có cơ hội vươn ra các thị trường lớn trên thế giới… Cụ thể như sản phẩm thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Hoa Kỳ; vú sữa Lò Rèn xuất khẩu sang Nga, Đức; bưởi Tân Triều xuất khẩu sang Singapore… Khi đủ điều kiện để xuất khẩu, các loại nông sản luôn có giá bán cao hơn trong nước nên giúp tăng thu nhập cho người dân, giữ chân người trẻ ở lại làm việc tại địa phương, đồng thời hướng người dân đến việc hoàn thiện quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín thương hiệu.
Ở Phú Yên, sản phẩm Nước mắm Phú Yên sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cũng đã có chỗ đứng trên thị trường và bắt đầu được các đại lý lớn trong nước chú ý. Hiện tại, siêu thị Co.opmart Tuy Hòa đã ký kết hợp đồng để đưa sản phẩm nước mắm Tân Lập (nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên) vào bày bán tại siêu thị với giá 50.000 đồng/lít, cao hơn gấp 2 đến 3 lần so các loại nước mắm thông thường bán ở chợ. Để đáp ứng được nhu cầu thị trường, cơ sở này đã thuê thêm lao động, mở rộng quy mô sản xuất.
Chị Lê Thị Kim Ngân chủ cơ sở sản xuất nước mắm Ngân Mỹ Á, thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa (cơ sở được đăng ký nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên), chia sẻ: “Từ khi gia đình tôi được Sở KH-CN Phú Yên hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên, ngày càng có nhiều khách hàng ngoài tỉnh biết và liên hệ với chúng tôi để đặt hàng. Khách hàng ưa chuộng sản phẩm chất lượng nên mặc dù giá bán nước mắm của chúng tôi cao hơn các nơi khác họ vẫn chấp nhận. Thay vào đó, cơ sở chúng tôi cũng phải đầu tư để hoàn thiện quy trình sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm để có thể làm ăn lâu dài”.
Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, cho biết: “Thời gian qua, Sở KH-CN luôn tăng cường hỗ trợ các cá nhân, tổ chức có nhu cầu lập thủ tục hồ sơ xác lập quyền bảo hộ SHTT đối với các đặc sản địa phương, đồng thời tiến hành các hoạt động hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm Cá ngừ đại dương Phú Yên, Bánh tráng Phú Yên, Nước mắm Phú Yên với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm, làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo tôi, đây chính là nền tảng để các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp địa phương có quy mô vừa và nhỏ có thể tìm được hướng phát triển lâu dài”.