Nông dân thu hoạch cá (Ảnh: Sở KHCN Lào Cai)
Toàn huyện có 610 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt với hơn 3.000 hộ tham gia; chủ yếu là nuôi cá truyền thống như trắm, chép, trôi, mè... cho lãi từ 50-60 triệu đ/ha; nhiều hộ thu nhập từ 150-200 triệu đ/năm.
Ông Nguyễn Hữu Lý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Thắng cho biết, năm 2011 năng suất cá bình quân đạt 23 tạ/ha, sản lượng 1.380 tấn. Sang năm 2012, các địa phương đã chuyển đổi từ ruộng kém hiệu quả sang NTTS được 10 ha… Chúng tôi đến thăm hộ ông Trần Xuân Đấu, thôn Phú Thịnh 2, thị trấn Phố Lu. Gia đình có 2 ha nuôi cá nước ngọt các loại, mỗi năm trừ chi phí lãi gần 150 triệu. Toàn bộ diện tích mặt nước nuôi cá được ông Đấu chuyển đổi từ đất trồng lúa. “Năm 2006 gia đình tôi đầu tư đào ao trên diện tích lúa nước một vụ sang nuôi cá trắm cỏ. Nắm vững kỹ thuật nuôi theo phương pháp mới, mỗi vụ tôi thả khoảng 4.000 con/2 ha. Nuôi theo kiểu truyền thống chỉ cho ăn cỏ thì chậm lớn, nên tôi chuyển sang nuôi công nghiệp. Mỗi vụ chi phí từ 30-45 triệu đồng mua thức ăn cho cá, thu hoạch được khoảng 3 tấn/ha. Ngoài ra, gia đình còn kết hợp nuôi lợn, gà”, ông Đấu hồ hởi cho biết.
Còn anh Nguyễn Văn Khánh, xã Sơn Hải chia sẻ: Năm 2005 gia đình anh đã quyết định đầu tư gần 30 triệu đồng để đào đất mở rộng ao, làm phên chắn cho 3 ao với tổng diện tích gần 4.500 m2 và nuôi cá theo phương thức công nghiệp, tuân thủ tốt các yêu cầu về kỹ thuật mật độ thả, lượng thức ăn, thời gian cho ăn và lưu chuyển nguồn nước thường xuyên để ao luôn thoáng sạch, bảo đảm đủ lượng oxy cần thiết để đàn cá lớn nhanh, không bị bệnh. Nhờ biết kết hợp mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia đình anh có tổng thu nhập từ vườn, ao, chuồng của gia đình anh hơn 150 triệu đồng một năm.
Để nghề NTTS ở vùng cao Bảo Thắng phát triển mạnh như hiện nay, ông Nguyễn Hữu Lý cho hay: Huyện luôn chú trọng đưa các giống thủy sản chất lượng mới vào SX. Ngoài cá loại cá truyền thống, nhiều hộ đã mở rộng nuôi các đối tượng có năng suất cao như rô phi đơn tính, cá chép lai, trê lai; có thể nuôi 2 vụ/năm. Bên cạnh đó một số địa phương còn phát huy thế mạnh nuôi cá loại cá đặc sản như cá chiên, cá lăng, cá nheo… theo hướng hàng hoá, năng suất đạt 5-10 tấn/ha. Đặc biệt nhiều hộ làm chủ được khâu SX, cung ứng khoảng 2 triệu con giống/năm cho các hộ khác...
"Thời gian tới huyện sẽ chuyển giao KH-CN vào SX tại các xã có diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản lớn. Trong đó chú trọng đào tạo tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn. Ngoài ra còn hỗ trợ cước vận chuyển con giống, một phần kinh phí chuyển đổi diện tích SX kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản”, ông Lý cho biết thêm.
"Chúng tôi đang tập trung phát triển NTTS theo hướng thâm canh, tăng năng suất, duy trì, cải tạo giống cá chất lượng tốt của địa phương. Ngoài ra bổ sung vào cơ cấu giống thuỷ sản chất lượng tốt nhằm nâng cao giá trị SX; phối hợp với trại giống thuỷ sản của tỉnh tổ chức SX đủ giống tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Lý nói.