Quy hoạch vùng ven biển Quảng Nam lâu nay quá chú trọng vào việc quy hoạch các khu nghỉ dưỡng và gần như không nhắc đến các loại hình dự án liên quan đến sản xuất nông nghiệp hay nuôi trồng thủy sản. Hàng vạn nông dân, ngư dân “tự quy hoạch” sử dụng đất, sử dụng mặt nước để bảo đảm sinh nhai.
Khổ vì quy hoạch
Đã 5 năm qua kể từ khi Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam triển khai thực hiện, trên 18.000 hộ dân với gần 73.000 nhân khẩu của 15 xã thuộc 4 huyện, TP tỉnh Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi dự án, bao gồm các xã: Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên); Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Nam (huyện Thăng Bình); Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú (TP Tam Kỳ); Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Anh Bắc (huyện Núi Thành). Trong đó, tổng số hộ dân trong diện di dời trên 4.000 hộ, còn lại nằm trong diện sắp xếp trong nội bộ xã và chỉnh trang tại các điểm hiện có; hộ nông nghiệp chiếm 41%, hộ ngư nghiệp chiếm 31%. Điều đáng nói, dự án với quy mô rất lớn nhưng nay phải dừng lại do thiếu kinh phí đã đẩy hàng chục ngàn dân vùng Đông của tỉnh Quảng Nam rơi vào cảnh khốn khó.
Kể từ khi công bố quy hoạch dự án và đến nay dự án bị trì trệ vì thiếu vốn, hàng chục ngàn hộ dân nằm trong vùng dự án không được xây nhà trên đất của mình; không được chia cắt đất cho con cái khi dựng vợ gả chồng; không được mua, bán, cho, tặng; không được cầm cố cho ngân hàng vay vốn làm ăn…
Chị Nguyễn Thị Kim Vinh (34 tuổi, trú thôn 3 xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) cho biết, gia đình chị thuộc diện phải di dời, được đền bù hơn 120 triệu đồng, đến nay đã nhận được 81 triệu đồng. Trong khi cả nhà chờ nhận đủ tiền để di dời nhà đi thì đùng một cái nghe dự án dừng lại, số tiền còn lại chưa nhận được. Kể từ khi nghe dừng dự án, cả nhà chị hết sức lo lắng vì vô tình lại nợ tiền của nhà nước, nhà cửa mấy năm rồi không sửa chữa nay đã xuống cấp không dám sửa, trong khi tiền đền bù nhận về tiêu đã gần hết.
Không những thế, tuyến đường DH6 - tuyến giao thông huyết mạch của xã Duy Hải, Duy Nghĩa thi công dở dang phải dừng vì vướng quy hoạch nên việc đi lại của người dân gặp khó khăn khi nắng bụi, mưa lầy.
Quy hoạch rồi bỏ hoang
Khi thực hiện Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp cư dân ven biển Quảng Nam, các nhà quy hoạch đã dùng phần lớn các vệt ven biển kéo dài từ Duy Xuyên đến Núi Thành chủ yếu trở thành các khu resort (khu du lịch nghỉ dưỡng) cao cấp và các khu đô thị… trong tương lai với diện tích lên đến hàng chục ngàn hécta, trong khi diện tích nuôi trồng thủy sản thì không có trong quy hoạch.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, vệt ven biển dài 70km, tổng diện tích phát triển du lịch khoảng 7.000ha với nhiều dự án lớn, trong đó có dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (được Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế đầu tư loại hình kinh doanh trò chơi có thưởng rộng 1.500ha do Tập đoàn VinaCapital làm chủ đầu tư với vốn đầu tư dự kiến là 4 tỷ USD); diện tích đất phát triển khu đô thị khoảng 15.000ha, trong đó có Khu đô thị Nam Hội An (do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Cienco 5 làm chủ đầu tư rộng khoảng 650ha theo hình thức đổi đất lấy dự án). Điều đáng nói, việc công bố quy hoạch của hai dự án trên ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân nhưng đến nay hai dự án trên vẫn chưa… rục rịch. Thậm chí, trước sự suy thoái của bất động sản, vừa qua Cienco 5 đã… trả lại đất cho tỉnh Quảng Nam, không tiếp tục đầu tư xây dựng khu đô thị đã khiến tỉnh Quảng Nam bị động nguồn vốn để thực hiện dự án cầu Cửa Đại.
Cách xã Duy Hải chừng mươi cây số, tại xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), dự án khu nghĩ dưỡng Dacotex Hải Âu Xanh với diện tích 18,7ha đã bỏ hoang từ năm 2005 đến nay gây lãng phí tài nguyên nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, dọc ven biển từ Duy Xuyên đến huyện Thăng Bình (Quảng Nam), nhiều khu resort, khu đô thị rộng hàng ngàn hécta được quy hoạch, công bố xong rồi để đó, đồng nghĩa với hàng chục ngàn hécta đất bị bỏ hoang trong nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất. Trong khi đó, người dân nơi đây không có đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản dẫn đến cuộc sống vốn đã khó nay càng khó.
Ông Võ Văn Năm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc quy hoạch vùng ven biển Quảng Nam lâu nay quá chú trọng vào việc quy hoạch các khu nghỉ dưỡng, các khu đô thị mà chưa chú trọng đến quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, một diện tích đất lớn bị bỏ hoang cần nghiên cứu chuyển đổi mục đích sang nuôi trồng thủy sản và sản xuất.
Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án gần 3.700 tỷ đồng, trong đó bao gồm từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn huy động từ lồng ghép các chương trình dự án, ngân sách địa phương, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, nguồn ODA và từ nhiều nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án dự kiến 13 năm từ 2008 đến 2020 và được chia thành 3 giai đoạn đầu tư: giai đoạn 1 từ năm 2008 - 2010, thực hiện di dời, sắp xếp trên 4.300 hộ dân với gần 17.000 nhân khẩu và tổng nguồn kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2011 - 2015, thực hiện di dời, sắp xếp trên 3.000 hộ dân với gần 13.000 nhân khẩu, tổng kinh phí đầu tư trên 1.400 tỷ đồng; giai đoạn 3 từ 2016 - 2020, thực hiện di dời, sắp xếp gần 800 hộ với trên 2.400 nhân khẩu, kinh phí đầu tư trên 900 tỷ đồng.