Con cá mập miệng rộng này đã sa lưới ngư dân Nhật vào tháng trước. Sau đó, nó được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Khoa học biển tại thành phố Shizuoka. Đây là một con cá cái với trọng lượng gần 1,5 tấn và chiều dài 4 m. Tờ nhật báo Japan Daily Press đưa tin hôm qua, 8-5, các nhà khoa học tại bảo tang đã thực hiện mổ khám nghiệm xác con vật này.
Cá mập miệng rộng được mệnh danh là “cá mập ngoài hành tinh” bởi phần đầu kỳ dị của nó. Đây được coi là một trong những loài cá quý hiếm nhất trên thế giới, chỉ mới được phát hiện ở một số vùng biển như California, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Brazil, Ecuador, Senegal, Nam Phi , Mexico và Úc… Theo bảo tàng Lịch sử tự nhiên Florida, cá mập miệng rộng thường sinh sống ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Chỉ có 58 con cá mập miệng rộng được con người tìm thấy
Loài cá mập này cũng giống như cá mập voi (whale sharks) và cá nhám phơi nắng (basking shark), phân bố trên diện rộng. Tuy nhiên, nó là loài ít hoạt động và khả năng bơi lội kém hơn so với 2 loài kia. Ban ngày, nó ở dưới vùng nước sâu, chỉ đến đêm mới nổi lên gần mặt nước để săn mồi. Thức ăn của chúng chủ yếu là các sinh vật phù du, nhuyễn thể.
Kể từ lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1976, đến nay chỉ có 58 con cá mập miệng rộng được tìm thấy. Năm 2009, ngư dân tỉnh Sorsogon, Philippines vô tình bắt được con cá mập miệng rộng nhưng sau đó đã họ đã xẻ thịt và ăn nó.