Ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh có 35 ngàn ha nuôi tôm biển, tổng sản lượng khoảng 50 ngàn tấn/năm. Những năm gần đây, diện tích, sản lượng và giá trị con tôm biển tăng không đáng kể. Vì không có nhà máy chế biến công suất lớn nên tôm Bến Tre từ lâu chỉ là nguồn nguyên liệu cho các nhà máy ngoài tỉnh. Đây là nguyên nhân lớn khiến giá trị tăng thêm của con tôm không tăng được.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ý thức bảo vệ môi trường nuôi của người dân chưa cao, thống kê số liệu thiệt hại của địa phương chưa đủ… nên tình trạng dịch bệnh thường xuyên xảy ra, kéo dài, trong khi đó, các giải pháp căn cơ vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Mặt khác, hầu hết tổ chức tín dụng “không mặn” với những hồ sơ của nông dân vay nhằm mục đích nuôi tôm biển.
Về giải pháp nhằm nâng cao sản lượng, đồng thời hạ giá thành sản xuất tôm biển, ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã làm việc và được điện lực chấp nhận ưu tiên khi cung cấp điện đến các vùng nuôi tôm. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất có hiệu quả tiếp tục được nhân rộng. Đặc biệt, đưa các mô hình có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao thân thiện với môi trường ra đại trà cho người dân áp dụng. “Làm sao mà trong thời gian tới nâng được sản lượng tôm quảng canh từ 150kg/công/năm lên 350kg/công/năm. Tôi nghĩ vai trò của Chi cục Thủy sản trong việc này là rất quan trọng. Nhiệm vụ này hoàn thành chẳng những tăng được sản lượng mà còn giúp nguồn nguyên liệu tôm biển Bến Tre có đủ khả năng cung cấp đều đặn cho các nhà máy chế biến. Đây cũng là điều kiện quan trọng để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy công suất lớn tại Bến Tre. Có nhà máy chế biến tại chỗ chính là chìa khóa để tăng giá trị nguyên liệu và cũng là điều kiện rất tốt để xây dựng thành công chuỗi giá trị liên kết trên con tôm biển” - ông Lâm khẳng định.
Đồng tình với Sở NN&PTNT nhưng lãnh đạo các huyện biển cũng bày tỏ quan ngại trước các vấn đề như: chất lượng con giống quá thấp, phân, thuốc thú y trên thị trường quá phức tạp. “Hiện nay có một số đại lý bán con giống trôi nổi với giá thấp, lại còn khuyến mãi khi nông dân đến mua. Khách quan nhìn vào là biết con giống không đạt chất lượng nhưng trái lại nông dân lại tỏ ra thích thú với điều đó. Kiểm tra các đại lý phân phối phân, thuốc thú y thì hầu hết phát hiện có vi phạm. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được vì vướng cái này, cái nọ…”, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại trăn trở.
Thống nhất với các ý kiến nêu ra tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Lập khẳng định, phát triển loại hình nuôi tôm quảng canh là một điều kiện quan trọng để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Nhưng trước mắt cần nhanh chóng điều chỉnh lại quy hoạch một cách chi tiết từng vùng nuôi, với từng loại hình nuôi sao cho cụ thể. Cùng với đó, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, ưu đãi tối đa bằng chính sách để các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến đầu tư. Công tác tuyên truyền, tập huấn phải được thực hiện thường xuyên để đảm bảo mọi mô hình sản xuất hiệu quả bền vững đều được người nông dân am hiểu và áp dụng.