Trong thời gian đầu, tôm ăn thức ăn bột mịn nên chỉ cần sử dụng cách cho ăn truyền thống (cho ăn bằng tay) là được. Hai tuần sau khi thả giống (trong khoảng từ ngày thứ 15-25) là thời điểm phù hợp để bắt đầu sử dụng máy cho tôm ăn tự động.
Khi sử dụng máy, người nuôi cần lưu ý một số điểm quan trọng (Limsuwan & Ching, 2013):
- Thứ nhất, chỉ nên cho máy hoạt động ban ngày. Ban đêm, tôm đói sẽ tìm bắt thức ăn tự nhiên. Nếu cho máy hoạt động vào ban đêm thì có thể làm giảm hàm lượng ôxy hòa tan, gây stress cho tôm.
- Thứ hai, khi đàn tôm nuôi trong ao có kích thước không đồng đều thì trước hết, cần cho tôm ăn bằng tay, theo dõi nhá để xác định chính xác lượng thức ăn cần thiết, sau đó mới sử dụng máy cho ăn tự động.
- Thứ ba, hiệu chỉnh máy phù hợp với hình dạng viên thức ăn để đạt hiệu suất cao nhất. Việc hiệu chỉnh này đã được nhà sản xuất chỉ dẫn kỹ trong bảng hướng dẫn để phủ hợp với từng loại thức ăn.
- Thứ tư, căn cứ số lượng tôm trong ao và kích cỡ ao để quyết định số máy cần lắp. Tuy nhiên, ở những ao sử dụng nhiều máy, cần chú ý tránh chồng chéo phạm vi rải thức ăn.
Máy cho tôm ăn tự động được thiết kế đơn giản, gồm có: Thùng chứa thức ăn, bộ hộp điều khiển hay sử dụng thiết bị điều khiển từ xa, bộ phát tán thức ăn dạng ống hình chữ thập và một cụm động cơ điều chỉnh lượng thức ăn.
Chất liệu thùng chứa ảnh hưởng đến thức ăn, thuốc và men vi sinh trộn vào thức ăn. Ảnh: Tepbac
Thùng chứa thức ăn thường được làm bằng inox hoặc nhựa. Thùng làm bằng inox có độ bền cao, tuy nhiên khi đặt ngoài trời, thời tiết khi nắng nóng hoặc mưa lạnh sẽ làm nhiệt độ trong thùng thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thức ăn và hiệu quả thuốc, men vi sinh trộn vào thức ăn. Đối với thùng nhựa, tuy độ bền kém nhưng nó có thể hạn chế được sự ảnh hưởng của nhiệt độ bên ngoài.
Bộ phận cụm động cơ tùy vào từng nhu cầu sử dụng, kích cỡ ao, loại hình ao mà sẽ có từng loại máy phù hợp. Hiện nay có rất nhiều loại máy như máy 1 động cơ, máy 2 động cơ, máy có thắng, máy không có thắng, máy sử dụng hộp điều khiển, máy sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, … với nhiều mẫu mã và kích cỡ khác nhau.
Về máy 1 động cơ, khi motor hoạt động, thức ăn từ thùng chứa theo ống dẫn rơi vào trung tâm của bộ phát tán thức ăn. Nhờ lực quay ly tâm, các viên thức ăn bắn ra ngoài. Khi tốc độ của motor đạt mức cao nhất, thức ăn sẽ bắn xa nhất và ngược lại. Bán kính của vùng rải thức ăn dao động phụ thuộc vào kích thước hạt thức ăn và tốc độ của motor.
Máy 1 động cơ. Ảnh: Tepbac
Máy 1 động cơ thích hợp cho ao đất có diện tích lớn, mật độ nuôi không quá cao, không quá chú trọng vào liều lượng thức ăn. Loại máy này thường sẽ là không có thắng nên khi tắt máy thức ăn sẽ theo quán tính của lối ra thức ăn (lưỡi gà) thức ăn sẽ rơi tại ngay chân máy.
Về máy 2 động cơ, hoạt động cơ bản cũng giống như máy 1 động cơ nhưng cụm động cơ thứ 2 có nhiệm vụ cấp và điều chỉnh lượng thức ăn, bộ phần này sẽ cân chỉnh lượng thức ăn và thời gian cho ăn đã được cài đặt trước đó. Loại máy này có 2 hình thức tùy nhu cầu sử dụng:
- Đối với máy được đặt ở cầu nhá thì máy sẽ bắn thức ăn ra treo quỹ đạo hình tròn, loại máy này thích hợp cho ao lớn, khoảng 500m2.
- Đối với máy ở thành ao thì sẽ thổi thức ăn ra theo hình cây quạt. Thích hợp cho các ao có diện tích nhỏ hay ao bạt tròn nổi.
Người nuôi điều chỉnh và cài đặt bằng hộp điều khiển bằng tay hoặc kết hợp công nghệ kết nối với điện thoại thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo (hiệu chỉnh từ xa, dữ liệu đám mây, kết nối và theo dõi trên điện thoại thông minh), cho phép người sử dụng lập trình hoạt động của máy qua 2 thông số: thời gian nghỉ (tính bằng phút) và thời gian chạy (tính bằng giây).
Về nguyên tắc, muốn tăng lượng thức ăn thì giảm thời gian nghỉ hoặc tăng thời gian chạy. Nhờ dữ liệu đã tổng hợp hoặc nghiên cứu có thể thông qua trí tuệ nhân tạo hiệu chỉnh chính xác lượng thức ăn tôm cần.
Tóm lại, muốn tối ưu hiệu suất, giảm thiểu chi phí thức ăn, FCR thấp thì một trong những yếu tố tiên quyết là lựa chọn được máy cho tôm ăn tự động theo đúng nhu cầu, phù hợp diện tích ao nuôi,… Việc lắp máy cho tôm ăn tự động là cần thiết trong các ao nuôi tôm thâm canh, nhất là nuôi tôm công nghệ cao.