Trước khi phân tích những lợi ích, hiệu quả cụ thể mang lại khi sử dụng máy cho ăn tự động, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề xung quanh phương thức cho tôm ăn bằng tay truyền thống.
Máy cho tôm ăn chạy bằng… “cơm”
Cách cho tôm ăn bằng tay là phương pháp truyền thống (thủ công), xuất hiện từ các mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh hoặc trước đó, khi tôm thẻ chân trắng chưa thâm nhập vào Việt Nam. Đến nay, dù nhiều hộ nuôi tôm thẻ từ bán thâm canh, thâm canh sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bà con mình vẫn có thói quen cho tôm ăn bằng tay.
Quan điểm những hộ nuôi áp dụng phương thức này cho rằng, cho ăn bằng tay sẽ giảm chi phí do không phải đầu tư tiền mua máy, chi phí khác để duy trì hoạt động của máy, các hệ thống liên quan, chủ động trong việc phân bố thức ăn một cách đồng đều trong ao.
Những hộ này cũng chỉ ra rằng, việc dùng máy cho ăn, sẽ làm tôm tập trung số lượng lớn trong một phạm vi diện tích hẹp, nguy cơ sát thương lẫn nhau rất cao. Khi cho tôm ăn bằng máy, quạt nước phải hoạt động nhiều hơn để phân tán thức ăn, đồng nghĩa việc nhiên liệu, điện…tiêu thụ nhiều hơn, quạt mau hư, tốn nhiều chi phí hơn.
Tôm thẻ chân trắng cần ăn liên tục, đây được xem là đặc điểm sinh học về dinh dưỡng của loài tôm này. Nếu bà con chỉ cho tôm ăn các thời gian cố định trong ngày, nhu cầu ăn của tôm có thể thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng, tỷ lệ sống, độ đồng đều bầy tôm.
Rất khó để tính đúng lượng thức ăn mà tôm cần. Ảnh: Tepbac
Nếu cho tôm ăn dư mồi để thúc đẩy tôm tăng trưởng trong thời kỳ phát triển ban đầu, ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, khi chất lượng môi trường còn tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp tôm không sử dụng hết lượng thức ăn, ngoài lãng phí chi phí thức ăn, FCR tăng cao, chất thải hữu cơ, thức ăn thừa còn tích tụ hình thành khí độc như NH3, NO2, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tôm.
Cho tôm ăn thiếu thức ăn trong thời gian dài, làm tôm chậm lớn, đặc biệt giai đoạn đầu thời kỳ phát triển, hạn chế khả năng lột vỏ của tôm. Thiếu thức ăn kéo dài làm tôm tranh giành thức ăn, dễ dẫn đến hiện tượng phân đàn, tỷ lệ sống giảm đáng kể.
Như vậy, tối ưu nhất vẫn là cho ăn theo nhu cầu thực tế bầy tôm trong ao, và phương cho tôm ăn bằng tay truyền thống rất khó thoả mãn nhu cầu này của tôm
Sử dụng máy cho tôm ăn tự động: Lợi ích thiết thực
Theo chúng tôi, khi tôm nhỏ, giai đoạn ương, ngày nuôi 0 - ≤ 25, với các loại thức ăn dạng bột, dạng mảnh (0,6 – 0,8 mm) bà con cho tôm ăn bằng tay sẽ hiệu quả. Sau 20 - 25 ngày nuôi, bà con sử dụng máy cho tôm ăn sẽ mang lại lợi ích thiết thực hơn.
Máy cho ăn tự động hạn chế tình trạng phân đàn trên tôm. Ảnh: Tepbac
Cho ăn bằng máy tự động giúp đáp ứng nhu cầu ăn mồi liên tục của tôm thẻ, khi tôm ăn theo nhu cầu, việc cài đặt thời gian cho máy phun thức ăn (tính bằng giây), thời gian cho máy nghỉ (tính bằng phút) rất dễ dàng. Bà con có thể chủ động điều chỉnh motor để phun, nghỉ hợp lý dự trên lượng thức ăn còn trên vó theo từng giờ, giúp tôm ăn đúng-đủ, nhờ đó mà thắc ăn được chuyển hoá triệt để, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Ngoài ra, khi sử dụng máy cho tôm ăn sẽ tiết kiệm chi phí nhân công và thời gian, nâng cao hiệu suất lao động. Một nhân viên có thể chăm sóc, quản lý nhiều ao, người nuôi tôm có nhiều thời gian trọng ngày tập trung giám sát môi trường, nguồn nước, kiểm tra sức khoẻ tôm thường xuyên hơn.
Nếu cho tôm ăn bằng tay, người nuôi thường phải tắt quạt nước, làm tôm thiếu oxy. Trái lại, sử dụng máy cho ăn tự động thì có thể bật quạt nước không chỉ cung cấp oxy cho tôm mà một cách bình thường mà còn phân phối thức ăn đều đến khắp các vị trí trong các tầng nước, đảm bảo tất cả tôm trong ao tiếp cận được mồi; thức ăn không bị chìm xuống đáy, hạn chế phân hủy hữu cơ.
Tôm bắt mồi trong điều kiện oxy trong ao đảm bảo, giúp tôm ăn khỏe, tăng trưởng nhanh. Ảnh: Tepbac
Theo dõi phát triển của tôm về kích thước, trọng lượng, người nuôi tôm có thể điều chỉnh thời gian phù hợp khi dùng máy cho tôm ăn… Việc hạn chế thức ăn dư thừa, thông qua điều chỉnh thời gian chạy hoặc nghỉ trên máy sẽ hiệu quả hơn so với phương thức cho tôm ăn bằng tay một cách cảm tính.
Khi tăng lượng thức ăn sử dụng hàng ngày cho tôm, người nuôi có thể chủ động giảm thời gian nghỉ, tăng thời gian chạy của máy, đảm bảo thức ăn được tôm tiêu thụ hết, không dư thừa, tránh lãng phí. Với phương thức cho tôm ăn bằng tay, việc điều chỉnh này rất khó thực hiện, do chỉ cho ăn cố định thời gian trong ngày.
Đầu tư, đưa công nghệ cao vào ao nuôi không tốn kém chi phí như quan điểm của một số bà con. Trên thực tế, máy móc được sử dụng và khấu hao nhiều lần trong mỗi vụ nuôi, so sánh về lợi ích kinh tế và môi trường thì bước đi này là hoàn toàn có lợi.
Nuôi tôm trong bối cảnh môi trường, thời tiết diễn biến thất thường, phức tạp, áp lực vụ mùa thành công càng tăng gấp bội. Đưa công nghệ cao vào ao nuôi là giải pháp mang tính kịp thời, đúng đắn.