Theo kinh nghiệm của ông Tú, cá chình dễ nuôi, ít bệnh, chi phí thấp và không tốn nhiều công chăm sóc, người nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên như: Cá, ốc… Cá chình thường không ưa ánh sáng, người nuôi nên đặt các vật như ống sành, ống nhựa hoặc thả chà khô xuống ao để tạo nơi trú ẩn.
Với diện tích mặt nước 15.000 m2, ông Tú chia thành 4 ao nuôi. Trong đó gồm 1 ao nuôi cá chình giống và 3 ao nuôi chình thịt. Đối với cá chình thịt, mỗi ao, ông thả 1.200 con giống. Ông Tú cho biết: Người nuôi cần chọn mua cá từ các cơ sở cung cấp giống uy tín. Cá giống khỏe có da bóng, nhiều nhớt. Nguồn cá giống chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên, cần tránh mua cá đánh bắt bằng câu, xung điện. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần phải theo dõi môi trường nước, cung cấp khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng cho cá. Để tạo bóng mát cho ao nuôi, ông còn thả rau muống nước và trồng dừa xiêm xen cỏ voi trên bờ ao.
Nuôi khoảng trên dưới 16 tháng, khi cá chình đạt trọng lượng bình quân từ 1,5- 2 kg/con thì xuất bán. Mỗi năm, ông bán hơn 10 tấn cá chình giống, với giá bán từ 700.000 – 800.000 đồng/kg; hơn 3 tấn chình thịt, với giá bán 450.000 đồng/kg, ông lãi cả tỷ đồng.
“Để việc bán cá chình giống đạt hiệu quả, con giống khỏe, tỷ lệ nuôi sống cao, tôi đã mở cơ sở cung cấp cá chình giống tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận” - Ông Tú bộc bạch.
Ngoài việc nuôi cá chình, ông Tú còn nuôi cá bống tượng. Nhờ nguồn giống tốt từ tự nhiên, thức ăn là các loại cá nhỏ, cua, ốc được đánh bắt ven đầm Trà Ô nên thịt cá rất ngon, được khách hàng ưa chuộng, đầu ra ổn định. Hàng năm, nhờ cá bống tượng, ông lãi từ 70- 80 triệu đồng.
Theo ông Phạm Bính- Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Châu: Là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương Hội, không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Võ Tuấn Tú có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ, nhân rộng mô hình nuôi cá chình tại địa phương.