Nuôi cua từ nguồn cua giống tự nhiên gặp nhiều hạn chế, không chủ động được số lượng và chất lượng cua giống. Vì vậy, sử dụng cua giống nhân tạo là giải pháp phù hợp và kịp thời cho nghề nuôi cua thương phẩm trong giai đoạn hiện nay.
Trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn triển khai thực hiện mô hình nuôi cua xanh thương phẩm từ cua 1, cua 2 tại ao nuôi diện tích 5.000 m2 của anh Trần Tuấn Vũ, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn. Mô hình thực hiện trong thời gian 5 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2017), hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí con giống và 30% chi phí thức ăn, thuốc thú y, hóa chất xử lý ao nuôi; được tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cua xanh thương phẩm từ cua 1, cua 2.
Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, anh Vũ đã thực hiện các bước tháo cạn nước, gia cố bờ ao, bón vôi cải tạo ao nuôi và gây màu nước để thả nuôi cua. Anh dùng các bẹ dừa khô làm chà thả xuống ao nuôi (thả chà đều khắp ao, số lượng nhiều hơn ở khu vực gần bờ) để tạo nơi trú ẩn, tạo bóng mát cho cua, cũng như tránh việc cua ăn nhau trong giai đoạn lột xác. Xung quanh bờ ao, anh dùng lưới rào nghiêng về phía trong ao một góc 60 độ, cao 0.5 m để tránh cho cua bò ra ngoài.
Nguồn cua giống được thả nuôi với mật độ 2 con/m2 do Trung tâm Giống thủy sản Bình Định cung ứng. Cua giống có kích thước đồng đều 0,5 – 0,7 cm, cua linh hoạt không bệnh tật, dị hình; màu sắc tươi sáng, đầy đủ các phần phụ và khỏe mạnh.
Về chăm sóc cho ăn, anh Vũ sử dụng thức ăn tươi sống như: các loại cá giã cào và các loại cá tạp nước lợ,... được rửa sạch và hấp chín để diệt mầm bệnh. Lượng thức ăn cho ăn hàng ngày được chia làm 2 – 4 lần tuỳ theo giai đoạn cua nuôi, cho ăn buổi tối nhiều hơn buổi sáng (lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4 – 6% tổng khối lượng cua trong ao). Thức ăn được rải đều trong ao, tránh rải tập trung cua sẽ tranh nhau thức ăn. Lượng thức ăn sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp nhất tùy vào kích cỡ, giai đoạn phát triển của cua và sự thay đổi thời tiết, môi trường nuôi. Cua thường giảm ăn khi lột xác hay thời tiết thay đổi bất thường, anh Vũ giảm lượng thức ăn nhằm tránh gây lãng phí và ô nhiễm nước. Vì cua sử dụng thức ăn là cá tạp nên việc thường xuyên theo dõi, quản lý môi trường nước ao nuôi luôn luôn được chú trọng.
Sau 5 tháng thả nuôi, cua đạt tỷ lệ sống trên 40%, trọng lượng bình quân đạt 270 gam/con, sản lượng thu hoạch 1.080 kg, năng suất ước đạt 2,16 tấn/ha. Với giá bán bình quân 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi ròng 44 triệu đồng.
Anh Vũ cho biết thêm: “Trước khi nhận thực hiện mô hình, tôi cũng hơi lo vì mô hình thực hiện vào mùa nắng nóng không phải chính vụ, cua dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, nguồn giống cua do Trung tâm Giống thủy sản cung ứng có chất lượng ổn định, có độ đồng đều cao, trong quá trình nuôi không thấy xuất hiện bệnh, đối tượng nuôi lại phù hợp với điều kiện vùng nuôi nên khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, kích cỡ cua thương phẩm đồng đều nên mô hình đạt kết quả cao hơn so với trước đây”.
Kết quả của mô hình không những đem lại lợi ích kinh tế cho hộ tham gia mà thông qua mô hình tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân được tham gia học tập. Qua đó tiếp thu, học hỏi được nhiều kiến thức thực tiễn để có thể mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cua theo hướng bền vững, an toàn môi trường. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông khuyến cáo nhân rộng mô hình tại các vùng khác trong tỉnh để nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống vật chất – tinh thần người nuôi thủy sản, cũng như giải quyết tốt bài toán môi trường cho nghề nuôi thủy sản.