Như vậy, đến thời điểm này, Bình Thuận đã có chín tàu cá được vay vốn theo Nghị định 67 đã được hạ thủy, trong đó có 1 tàu dịch vụ hậu cần, tám tàu khai thác hải sản xa bờ. Trong đó, ngư dân huyện đảo Phú Quý có sáu chiếc và ngư dân thị xã La Gi có ba chiếc
Tàu của hai ngư dân Nguyễn Văn Quáng và Võ Hạnh được Agribank Bình Thuận ký kết hợp đồng cho vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Cả hai tàu đều có công suất 750 CV được đóng mới hoàn toàn tại cơ sở đóng tàu thuyền Việt Tân Long ở thị xã La Gi. Số tiền được Agribank Bình Thuận cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng gần 6,8 tỷ đồng cho mỗi tàu. Hai tàu hoạt động khai thác hải sản xa bờ với ngành nghề lưới rê.
Đang tất bật chuẩn bị các công đoạn cuối cùng cho việc hạ thủy con tàu, ông Nguyễn Văn Quáng vui vẻ cho chúng tôi biết, tàu của tôi có giá trị gần 10 tỷ đồng, nhưng khi tôi vay vốn theo Nghị định 67 được Nhà nước cho vay 70% giá trị con tàu, còn lại 30% là vốn tự có. Đến thời điểm này tôi đã được Ngân hàng Agribank thị xã La Gi giải ngân được 5,7 tỷ đồng, sau khi tàu hạ thủy xong, thì ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân số tiền còn lại khoảng một tỷ đồng. Quá trình làm các thủ tục vay vốn tôi thấy rất thuận lợi, không khó khăn gì, cái chính là mình phải làm đúng và đầy đủ theo các hướng dẫn của cán bộ tín dụng. Trong quá trình đóng tàu, cán bộ tín dụng Agribank Bình Thuận luôn quan tâm theo sát tiến độ để giải ngân kịp thời nhu cầu của chúng tôi.
Ông Võ Hạnh, một ngư dân dày dạn kinh nghiệm đánh bắt xa bờ cho biết, qua theo dõi và được các cấp, các ngành tuyên truyền về Nghị định 67, tôi thấy đây là một chính sách rất phù hợp với các ngư dân, từ đó, ngư dân chúng tôi có cơ hội để đóng những con tàu lớn hơn, vươn khơi xa bờ. Niềm vui của tôi hôm nay khi hạ thủy con tàu là rất lớn, khó có thể nói hết được. Nhưng cái quan trọng hơn khi đưa tàu vào hoạt động là mình phải tính toán làm sao đó, có cách thức khai thác con tàu hiệu quả để có khả năng trả được tiền cho nhà nước, nhưng đồng thời cũng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế gia đình và anh em lao động biển.
Ông Phạm Văn Trịnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, kiêm Phó Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết, để đạt được kết quả như hiện nay là nhờ sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cũng như sự phối hợp với ngành Ngân hàng trên địa bàn triển khai đồng bộ, tích cực chính sách cho vay đóng mới tàu, nâng cấp tàu theo Nghị định 67, thể hiện trên hai mặt tuyên truyền và ban hành các quyết định phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá xa bờ với quy trình thực hiện khá nghiêm túc, chặt chẽ từ cơ sở.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã có một số trường hợp có tên trong danh sách UBND tỉnh phê duyệt nhưng lại xin rút khỏi chương trình do vốn tự có của bà con ngư dân còn chưa đáp ứng theo quy định (30%); máy mới giá cao hơn rất nhiều so với máy cũ, nên nhiều ngư dân còn chần chừ chưa nâng cấp máy mới mà chờ chính sách mới của Nhà nước cho vay mua máy cũ sẽ thực hiện nâng cấp tàu. Có khá nhiều trường hợp đang tính toán hiệu quả khai thác và khả năng hoàn trả vốn cho ngân hàng nên đang lưỡng lự chưa xúc tiến việc vay vốn.
Ông Phạm Văn Trịnh cho biết thêm, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp tục tuyên truyền một cách thường xuyên liên tục để ngư dân nắm vững chính sách của Nhà nước liên quan đến việc vay vốn đóng tàu, nâng cấp tàu. Cùng với đó, tuyên truyền cho bà con ngư dân khẩn trương xúc tiến các thủ tục cấp quyết định đóng mới, khẩn trương thuê các cơ sở đóng tàu, thuê các đơn vị giám sát an toàn kỹ thuật, từ đó có cơ sở để chúng tôi giải ngân theo đúng các quy định của nhà nước.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận, đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt 132 chủ tàu đăng ký vay vốn theo Nghị định 67. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận, hướng dẫn thủ tục cho 115 chủ tàu. Hiện đã có 25 hồ sơ vay vốn đã nộp cho Ngân hàng thương mại trong tỉnh. Trong đó có 17 hồ sơ đã được Ngân hàng Agribank Bình Thuận thẩm định và ký hợp đồng cam kết cho vay tín dụng. Hiện tổng số tiền ngân hàng cam kết cho vay đóng mới 17 con tàu hơn 97,3 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 71 tỷ đồng, trong đó cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần 1 chiếc với số tiền gần 18 tỷ đồng; đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ 16 chiếc với số tiền hơn 53,3 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong số 25 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thực hiện Nghị định 67, đến ngày 15-9, Bình Thuận là tỉnh dẫn đầu trong việc giải ngân cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67.