Bình Thuận có bờ biển giáp 2 tỉnh Ninh Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích mặt nước biển quản lý khai thác là 52.000 km2, do đó nguồn lợi thủy sản có tầm quan trọng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế chung của tỉnh. Nguồn lợi thủy sản ở Bình Thuận phong phú, đa dạng và giàu sản lượng với giá trị kinh tế cao, kể cả giá trị xuất khẩu, đặc biệt là các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như: điệp, dòm, bàn mai, sò lông v.v…; Tuy nhiên, vì sức ép của dân số, nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, do trình độ dân trí của ngư dân, việc chạy theo lợi nhuận của những cơ sở kinh tế sản xuất-chế biến hàng hải sản xuất khẩu trong và ngoài tỉnh… nên tình trạng cố tình vi phạm các quy định về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn tiếp tục diễn ra với chiều hướng thủ đoạn ngày càng tinh vi, dẫn đến hậu quả làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và gây sức ép lên nguồn lợi thủy sản. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 5 nghiệp đoàn nghề cá và 623 tổ đoàn kết với hơn 4 ngàn tàu, thuyền cùng hơn 25 ngàn lao động. Tuy vậy, thời gian qua, sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh tăng chậm, thu nhập của các chủ tàu và ngư dân có chiều hướng giảm. Một trong những nguyên nhân là do nguồn lợi hải sản suy giảm bởi nạn đánh bắt bằng giã cào gần bờ, thuốc nổ, xung điện và tận diệt hải sản non,... Trước thực trạng trên, thanh tra thủy sản Bình Thuận, cùng các ngành liên quan đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này, nhưng tình hình vẫn chưa được thay đổi nhiều.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã Thông báo số 34/TB-SNN ngày 23/3/2016 về việc cấm nghề lưới kéo đôi (giã cào bay) hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Bình Thuận từ ngày 01/4/2016 đến hết ngày 31/7/2016. Trước đó UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo cấm các hoạt động khai thác sò lông trên toàn vùng biển của tỉnh trong thời gian từ ngày 15/1/2016 đến hết ngày 31/3/2016, cùng với đó là cấm các tổ chức, cá nhân thu mua, vận chuyển, chế biến và kinh doanh sò lông trong thời gian cấm khai thác. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo rộng rãi thời gian cấm khai thác sò lông nói trên trên các phương tiện thông tin đại chúng cho ngư dân biết và chấp hành. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác sò lông trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra.
Việc khai thác, mua bán sò lông bất chấp lệnh cấm không những gây tận diệt nguồn lợi thủy sản nói chung mà còn gây hủy hoại môi trường sinh thái biển, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Ngăn chặn khai thác hải sản bằng thuốc nổ luôn khó khăn phức tạp. Thời gian qua, Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp nhưng hiệu quả chưa cao. Do vậy trong thời gian tới, để ngăn chặn từ xa hiệu quả, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những ngư dân trong và ngoài tỉnh cố tình vi phạm. Việc tuyên truyền cho ngư dân thấy rõ tác hại, nguy hiểm của việc làm đánh bắt thủy sản trái phép cần được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò tổ chức đoàn, hội, lực lượng chức năng ở xã, phường tăng cường vận động, đấu tranh; phối hợp với các tỉnh lân cận trong quản lý khai thác hải sản trên biển; phối hợp tấn công tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ, vật gây nổ từ trong đất liền; lập đường dây nóng; tổ chức ngư dân ký cam kết không khai thác trái phép.