Thoi thóp trước cửa ngân hàng
Ngành cá tra Việt Nam có khoảng 130 DN, gồm 72 DN thương mại và 64 DN có nhà máy chế biến trực tiếp cá tra xuất khẩu, trong đó có 5 tập đoàn với công suất trên 100 tấn/ngày, chiếm 34% sản lượng. Nếu xếp hạng các DN đầu ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam thì số lượng này vẫn chưa đếm hết trên đầu ngón tay. Thế nhưng, gần 70% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành lại đang nằm trong tay các DN này.
Như vậy, tỷ lệ DN khó khăn, đói vốn chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số DN xuất khẩu cá tra của cả nước? Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, cho biết, trường hợp này chỉ rơi vào các DN không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Theo đó, hầu hết các DN kinh doanh, xuất khẩu cá tra ra đời từ năm 2008 đến nay đều bị vướng khó khăn nặng nề. Nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn, vướng vốn của hầu hết các DN “trẻ” là do các đối tượng DN này lớn quá nhanh, trong khi không chủ động được vùng nuôi và nguồn vốn tự có.
Có đến 80% DN đang sử dụng vốn vay từ ngân hàng, từ vốn cố định cho đến vốn lưu động. Do đó, một khi không tiếp tục tiếp cận được vốn vay thì DN lại nghĩ đến chuyện dừng sản xuất và trước mắt là chỉ sản xuất cầm chừng. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu trong thời gian tới, cũng như những tồn đọng đối với việc phát triển ngành cá tra.
Đồng tình ý kiến trên, đại diện Tai Nguyen Seafood, DN có thâm niên trong lĩnh vực xuất khẩu thủy hải sản, cũng chia sẻ, thực trạng khát vốn của các DN thủy sản nói chung và cá tra nói riêng là hệ lụy từ việc DN phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng. Theo vị này, nếu như trước đây DN có tài sản khoảng 100 tỷ đồng, thì vẫn có thể vay ngân hàng khoảng 200-300 tỷ đồng.
Ảnh: Quý Hòa
Nhưng hiện nay, cũng với trị giá tài sản đó nhưng DN chỉ có thể vay ở mức thấp hơn 100 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến tình trạng DN không còn tài sản để thế chấp, lẽ dĩ nhiên, việc tiếp cận ngân hàng lúc này sẽ chẳng dễ dàng chút nào.
Tái cơ cấu và những thương vụ M&A
Cùng với tình hình sản lượng cá nguyên liệu năm nay giảm mạnh do dịch bệnh, thì giá cá năm 2012 này cũng được bán thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011. Có thể nói, tình cảnh này chưa từng xảy ra đối với ngành cá tra Việt Nam tính từ 10 năm trở lại đây.
Nhiều dự báo cho thấy, tất cả những khó khăn, bất ổn về chi phí, thị trường đang bắt đầu hiện ra. Theo ông Trương Đình Hòe, Việt Nam không phải là nước duy nhất xuất khẩu cá tra, nên rất khó áp mức giá cao, trái lại còn phải nhìn nhận mức giá cho phù hợp với mức độ đầu tư, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Điều này cho thấy, cá tra Việt Nam vẫn chưa tạo ra sự khác biệt căn bản so với các sản phẩm cùng loại khác. Chính vì vậy, một sản phẩm không còn được người tiêu dùng ưa chuộng nữa, thì cũng chính là lúc sản phẩm đang đi vào giai đoạn thoái trào, đó là điều tất yếu.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cá tra năm 2011
Hiện, các DN ngành cá tra Việt Nam đang phải đối mặt trước hàng loạt nguy cơ đóng cửa. Thế nhưng, thay vì ra sức cứu DN cùng vượt khó, thì nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là cơ hội để thanh lọc lại thị trường cá tra.
Một khi hàng loạt DN ra đi thì cũng chính là cơ hội cho các DN khác đột phá. Theo ông Dương Ngọc Minh, các DN yếu nên chấp nhận năng lực của mình, chấp nhận chịu đau để bắt đầu một thị trường mới, cụ thể là giải thể DN nếu thấy bản thân không còn khả năng thì nên bán hoặc tìm cách sáp nhập với các DN có điều kiện, nhằm tạo chỗ đứng vững hơn trên thị trường.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trương Đình Hòe cũng dự báo, dần dần ngành cá tra Việt Nam sẽ dẫn đến những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các DN trong ngành. Song trước mắt vẫn nên có những hỗ trợ về mặt thị trường, gia công, chế biến giữa các DN...
Sau đó mới bắt đầu cuộc sắp xếp lại, tạo môi trường mới để những DN mạnh hoạt động. Thế nhưng, vấn đề hiện nay đối với các DN nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra vẫn là thị trường và nguyên liệu.
Nói về giá cá, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex, cho rằng, thất bại trong chính sách giá xuất phát từ việc không có người theo dõi và quản lý. Do đó, không kiểm soát được việc DN có thực hiện đúng giá sàn hay không.
Trong khi đó, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, lại cho rằng, cơ chế chính sách giá để mọi DN đều có lời là tốt, nhưng đây thực tế là một bài toán khó, vì lời giải là cần sự đồng lòng của các DN. Trong khi đó, liệu rằng các DN có chấp nhận ghim hàng, giữ giá vài ba năm để đưa thị trường vào quy củ.
Có đến 80% DN đang sử dụng vốn vay từ ngân hàng, từ vốn cố định cho đến vốn lưu động. Do đó, một khi không tiếp tục tiếp cận được vốn vay thì DN phải dừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.
Về nguyên liệu, các DN có thể chủ động, nhưng thị trường thì DN đành bó tay. Bởi một khi thị trường khó khăn, mức độ cạnh tranh sẽ diễn ra khốc liệt hơn. Do đó, điều quan trọng hơn hết trong cuộc đua này vẫn là chính sách giá phù hợp.