Thiệt hại nặng
Ông Nguyễn Phong Quyên (tổ dân phố 2, phường Ninh Hải) cho biết, gia đình ông nuôi cá bớp ở biển Ninh Hải từ đầu năm đến nay đã được hơn 7 tháng với 6 lồng bè, chi phí đầu tư hơn 200 triệu đồng. “Dự kiến 1 tuần nữa tôi sẽ xuất bán lứa cá bớp này thì vào lúc 16 giờ ngày 13-9, nghe tin báo của các hộ nuôi xung quanh có cá bớp chết, tôi tức tốc ra bè lặn xuống thì thấy cá trong lồng có hiện tượng chết hàng loạt, cá chìm xuống dưới đáy”, ông Quyên kể.
Khi quan sát thấy cá chết nhanh và nhiều, ông Quyên và các hộ nuôi đã thông báo cho cơ sở thu mua ở TP. Nha Trang để tận thu bán với giá 40.000 - 60.000 đồng/kg. “Cá bớp thương phẩm chết hầu hết có trọng lượng 4kg - 6kg/con, giá thị trường hiện tại là 120.000 đồng/kg. Gia đình tôi thiệt hại khoảng 2 tấn, bán theo giá thị trường là 260 triệu đồng, hiện nay cá chết tôi bán tống bán tháo chỉ được 86 triệu đồng, không đủ tiền vốn, công sức bỏ ra”, ông Quyên xót xa.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Phong Quynh thiệt hại hơn 1 tấn cá bớp trong đợt này cho biết, ông nuôi cá trên biển Ninh Hải đã hơn 10 năm nhưng lần đầu tiên chứng kiến cá thương phẩm chết hàng loạt, trước đó cá nuôi không có dấu hiệu bất thường.
Theo tìm hiểu, vùng nuôi tổ dân phố 1 và 2 (thôn Đông Hải) có 7 hộ nuôi thủy sản lồng bè với tổng số 60 ô lồng/6 bè nuôi. Hiện các hộ đều bị thiệt hại 100%. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là hộ ông Nguyễn Tấn Danh có khoảng 2 tấn cá thương phẩm và 700 con cá giống nuôi được 2 tháng; hộ ông Nguyễn Công Ân 100kg cá thương phẩm và 1.200 con nuôi được 3 - 4 tháng bị chết.
Khuyến cáo nuôi thủy sản mùa mưa bão
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, sau khi xảy ra sự việc, cán bộ chi cục đã tiến hành đo các chỉ số về môi trường vùng nuôi, tiến hành thu mẫu và hiện đang xác định nguyên nhân. “Tại thời điểm cá chết, người nuôi cho biết nguồn nước hơi đục và nóng bất thường, có thể do thiếu ôxy”, ông Én thông tin.
Theo ông Én, hiện nay, chi cục đã khuyến cáo người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh khi phát hiện môi trường nước tại vùng nuôi diễn biến bất thường hoặc thủy sản chết, cần sớm thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi có thủy sản chết, người nuôi cần thu gom xác cá chết đem vào bờ xử lý, không được xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, phải thực hiện kê khai ban đầu khi thả giống theo quy định, có sổ ghi chép nhật ký theo dõi quá trình nuôi, lưu trữ hồ sơ liên quan như giấy chứng nhận kiểm dịch, thu mua con giống… và tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi. “Hiện nay, sắp vào mùa mưa bão, người nuôi lồng bè cần thực hiện một số biện pháp để bảo vệ thủy sản nuôi và con người trên lồng nuôi. Không nên thả giống vào thời điểm thời tiết thay đổi bất thường, cần san thưa mật độ nuôi trong lồng”, ông Én cho biết.
Đồng thời, các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra và theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước, đặc biệt khi thời tiết thay đổi bất thường; chủ động phòng và trị bệnh cho thủy sản trong mùa mưa bão; bổ sung các loại thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Khi có thông tin về tình hình mưa bão, người nuôi nên thu hoạch thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm. Bên cạnh đó, cần tìm vị trí an toàn, kín gió, dòng chảy nhẹ để neo đậu lồng bè, tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm hư hỏng lồng bè. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì có thể hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng gió. Thường xuyên kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối để gia cố lại cho chắc chắn, đặc biệt là lưới lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh hiện tượng lưới thủng để thủy sản thoát khỏi lồng nuôi. Cần theo dõi thường xuyên thông báo diễn biến tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp bảo vệ người và tài sản một cách hiệu quả.