Mùa cá chạch khoảng tháng 10 – 11 âm lịch, cá chạch đều mang trứng, thịt dai nên ăn rất ngọt, ngon. Không chỉ giàu chất dinh dưỡng, thịt cá chạch còn là kho thuốc quý. Theo Đông y, thịt cá có tác dụng bồi bổ khí huyết, chống lão hóa, tráng dương, cường lực, thanh nhiệt, cần thiết cho người già. Còn theo Tây y, thịt cá có nhiều chất đạm, chất béo, và các axit amin cần thiết khác cho cơ thể. Ngoài ra, theo dân gian, nhớt cá chạch cũng có tác dụng kháng viêm, tiêu độc, kháng khuẩn...
Với những ưu điểm trên nên cá chạch rất được các bà nội trợ ưa chuộng. Cá chạch được chế biến nhiều món ăn như: nướng tươi chấm với nước mắm tỏi ớt, cá chạch kho nghệ sả ớt, cá chạch làm khô… Nhưng lạ và “bắt” nhất là món cá chạch một nắng chiên giòn, chấm nước mắm me.
Chế biến món ăn này rất đơn giản. Chọn cá còn tươi, cỡ vừa ăn vì cá chạch lớn quá, phơi sẽ lâu khô. Trước hết, cho cá chạch vào thau có pha nước cốt chanh (hoặc giấm) rửa sạch nhớt và mùi tanh (không cần bỏ nội tạng). Kế đến ướp gia vị theo tỷ lệ: 1kg cá chạch cho ba muỗng cà phê bột nêm, một muỗng cà phê muối, một muỗng cà phê tiêu (hoặc ớt bằm, ít nhiều tùy khẩu vị), trộn đều, để ngấm khoảng hai tiếng. Ướp xong, xếp cá chạch ra rổ hoặc xỏ dây chì đem phơi. Lưu ý, chỉ phơi cá qua một nắng và không phơi cá bằng mâm vì sẽ làm chín cá không ngon.
Cho khô chạch vào chảo dầu nóng, chiên vàng giòn, xếp ra dĩa cùng với dưa leo, chuối chát, khế chua, rau thơm (húng, quế)… Và quan trọng nhất là chén nước mắm me. Khâu pha chế nước mắm me rất quan trọng, quyết định chất lượng món ăn. Phải là nước mắm ngon nguyên chất, cùng với me chín dầm lấy cơm me (bỏ hạt), hòa với đường, bột ngọt, ớt cho vừa ăn. Nước mắm me phải sệt mới ngon.
Món này dùng nóng với cơm. Vị béo ngọt, dai của cá chạch, vị chua cay của nước mắm me lẫn mùi thơm của rau húng như đánh thức mọi giác quan.
Khô cá chạch là “đặc sản dự trữ”, để dùng dần và có thể làm quà tặng khách phương xa.