Gần 1 tháng nay, hàng trăm ngư dân các xã Kỳ Hà, Kỳ Phương, Kỳ Nam thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khốn đốn vì hiện tượng cá biển chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ.
Không đi biển thì chẳng biết làm gì
Cá không có để đánh bắt, có đánh bắt lên cũng chẳng ai thu mua, ruộng vườn không có, cuộc sống của hàng trăm ngư dân thuộc các xã nói trên đang rất khó khăn. Cuộc sống hằng ngày của họ dựa vào nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản ngoài khơi. Thế nhưng hiện tượng cá chết hàng loạt đã đẩy người dân nơi đây vào ngõ cụt.
Hiện nay thông tin cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân được đưa tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội khiến người dân hoang mang không dám ăn cá. Tại các chợ đầu mối ở Hà Tĩnh không còn cảnh mua bán tấp nập, các nhà hàng hải sản lâm vào cảnh vắng hoe.
Dù biết thông tin cá chết, khó đánh bắt thế nhưng anh Nguyễn Văn Nam, ngư dân thuộc xã Kỳ Hà vẫn ra khơi. “Thuyền chúng tôi ra khơi từ sáng tới giờ, trên thuyền có 3 người, đánh bắt gần 1 ngày trên biển nhưng chỉ được vỏn vẹn chưa đầy chục cân cá. Nếu tính ra tiền thì lỗ nặng chú à, thế nhưng chúng tôi ở đây không đi biển, thì chẳng biết làm nghề gì nữa”, anh Nam hướng ánh mắt buồn bã ra biển nói với chúng tôi.
Không khác gì anh Nam, ông Trần Đình Tuấn ngư dân thuộc xã Kỳ Phương cho biết: “Gia đình tôi có đến 6 miệng ăn, nguồn thu nhập chính là từ nghề đánh bắt ở biển của tôi và người con trai cả. Thế nhưng gần đây cá chết, đánh bắt lên cũng chẳng ai thu mua cho, nên cuộc sống gia đình rất khó khăn”.
“Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình, mà nhà tui lại sát biển nên mỗi khi có cá chết dạt vào mùi hôi thối bốc lên khó chịu lắm. Không biết tình trạng cá chết có kéo dài không, chúng tôi đang rất nóng lòng được biết nguyên nhân cá chết để có hướng chuyển đổi mô hình làm ăn, chứ kéo dài thế này thì chết đói mất thôi”, ông Tuấn lo lắng.
Hàng quán vắng hoe
Không chỉ những ngư dân bám biển lâm cảnh khốn khổ mà cả những chủ nhà hàng hải sản ở địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang lâm cảnh “khóc dở, mếu dở”. Hàng quán mở ra khách không có, nhân viên ngồi không xơi nước, việc kinh doanh gần như ngưng trệ, các chủ kinh doanh nhà hàng như đang ngồi trên đống lửa.
Anh Chu Văn Hậu - chủ cửa hàng bè nổi Hậu Thìn lo lắng: “Gần một tháng nay, tình hình kinh doanh của nhà hàng bị ngưng trệ, khách không có, nhân viên nhà hàng ngồi không, thông tin cá nhiễm độc thì hằng ngày lan truyền trên mạng. Không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ. Nếu cứ thế này thì chúng tôi phải đóng cửa mất”.
Các hộ kinh doanh hải sản đang lâm vào cảnh chết dở vì vắng khách
So với những ngư dân bám biển và các chủ kinh doanh nhà hàng đang khốn khổ thì hàng chục chủ hộ nuôi ngao và tôm ở địa bàn này cũng chẳng khá hơn. Hàng chục hécta ngao và tôm của các hộ dân ở địa bàn xã Kỳ Hà đồng loạt chết từ ngày 15/4 đến nay.
Đang ngồi bần thần bên đống vỏ ngao chết, chị Lê Thị Hà, một chủ hộ nuôi ngao xã Kỳ Hà nói: “Nhà tui nuôi gần 2ha ngao, số vốn bỏ ra làm khoảnh lên đến cả trăm triệu đồng, số tiền này có được là do vợ chồng tôi cắm sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Tưởng thu nhập từ ngao đủ để trả nợ, ai ngờ gần đến ngày thu hoạch thì ngao lại chết hàng loạt thế này... Không biết vợ chồng tôi lấy đâu ra tiền để trả cho ngân hàng đây”.
Ông Lê Văn Luyện - Chủ tịch xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, một trong những địa phương ảnh hưởng nặng trong đợt cá, tôm chết này cho biết: “Hiện tượng cá chết đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục ngư dân nơi đây. Cá chết, nay lại đến ngao và tôm bắt đầu chết, ước tính thiệt hại trong đợt này là rất lớn”.
Được biết tại địa bàn Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh này đã nhanh chóng xuống hiện trường thăm hỏi, động viên bà con ngư dân và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, tìm phương án hỗ trợ trước mắt cho cho bà con ngư dân.
Việc chôn lấp cá chết còn tự phát
Trước tình trạng cá chết hàng loạt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chính quyền địa phương cần khuyến cáo người dân chưa nên tiến hành thả giống trở lại, đồng thời cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh sạch sẽ vùng nuôi; tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi có khuyến cáo của ngành chuyên môn thì có thể bắt tay trở lại sản xuất.
Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết: “Chúng tôi yêu cầu người dân không được ăn những con cá trôi dạt vào bờ. Chúng tôi cũng chỉ đạo đào chôn, tiêu hủy để đảm bảo môi trường. Việc xử lý môi trường chỉ có dùng vôi để rắc lúc chôn theo kinh nghiệm của địa phương thôi. Phải chôn ở vị trí xa khu dân cư, các vùng đồi núi”.
Chính quyền địa phương nói đã khuyến cáo người dân và hướng dẫn người dân quy trình chôn lấp tuy nhiên, người dân địa phương các xã ven biển huyện Kỳ Anh lại cho biết họ vẫn tự thu gom và chôn cá chết trôi dạt vào ven bờ mà không có cơ quan chức năng nào đứng ra hướng dẫn quy trình chôn lấp. Việc chôn lấp cá chết chỉ theo cách thủ công lấp cát thông thường, không sử dụng vôi bột để chôn lấp như lời lãnh đạo địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đàn, người dân ở xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Tôi chôn hết cá chết dọc ngoài biển. Ngày nào tôi cũng ở đây nên có cá chết là tôi lấy chân lấp lại vì cá nhỏ. Lúc nắng lên cá chết bốc mùi đau đầu nên tôi mới lấy xẻng chôn hết, mình tự giác làm thôi” - ông Đàn cho biết.
Ghi nhận của phóng viên, người dân thường chôn lấp cá chết ngay tại bờ biển hoặc tự ý mang đi chôn ở khu đất trống. Trong khi đó, theo chuyên gia môi trường, vấn đề cấp bách là ngay khi cá chết dạt vào bờ phải được mang đi xử lý ngay, không thể để tình trạng cá bị phân hủy. Việc xử lý cá chết do nhiễm độc (dù chưa biết là độc gì) cũng phải tiến hành theo quy trình xử lý đặc biệt.
Nếu chỉ xử lý như cá chết bình thường thì chất độc từ trong cá chết sẽ càng gây hại đến môi trường biển, môi trường sống của người dân xung quanh. Trong đó, có thể đào đất lấp đi và dùng vôi để tiêu hủy, nhưng phải lót lớp vải địa kỹ thuật để nước không ngấm vào đất hoặc mạch nước ngầm. Hiện nay, tại các âu thuyền, lồng bè, nước không lưu thông đã xuất hiện màng xanh lơ lửng./.