Loài ký sinh trùng này xuất hiện trong nước ô nhiễm, khi gặp thời tiết bất lợi xâm nhập vào mang khiến cá bị nhiễm bệnh và chết. Ngoài ra, do khu vực nuôi mưa nhiều, độ mặn, thủy triều không thể ra vào, ứ đọng và các yếu tố môi trường biến động. Cùng với mật độ nuôi dày, người dân cho ăn cá tạp, lồng nuôi chưa được vệ sinh sạch sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.
Theo Chi cục Thú y và Chăn nuôi, tình trạng cá chết đã giảm và phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (TP. Hồ Chí Minh) tiếp tục lấy mẫu nước, cá đi xét nghiệm.
Gần một tuần qua, cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và đột ngột bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước, tróc da và chết hàng loạt. 10 hộ có cá chết 70-100%, gồm cá bớp, chim, mú, chẽm đang xuất bán và nuôi khoảng 3 tháng.
Dấu hiệu và cách phòng trị bệnh trùng quả dưa trên cá:
Dấu hiệu bệnh lý: khi mắc bệnh, cá bơi nổi thành từng đàn trên mặt nước, quẫy nhiều do ngứa; trên da, mang, vây của cá có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ màu trắng đục có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Da, mang cá bị bệnh có nhiều nhợt, màu sắc nhợt nhạt. Khi quá yếu cá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm đầu xuống nước.
Phòng, trị bệnh: Dùng formalin để phun xuống ao mỗi tuần 2 lần với nồng độ 150 - 200 ml/m3, sau đó thay nước; hoặc tắm formalin cho cá với nồng độ 200 - 250 ml/m3 trong vòng 30 - 60 phút.