Đó là cá rô phi vằn và cá rô phi đỏ (cá điêu hồng). Trong đó, cá điêu hồng được ưa chuộng là do màu sắc đặc trưng của chúng, thịt chắc, chu kỳ nuôi lại ngắn ngày, khả năng thích nghi cao với môi trường và có khả năng kháng bệnh mạnh mẽ.
Sự xuất hiện của cá điêu hồng
Về bản chất, cá điêu hồng cũng là cá rô phi nhưng có màu đỏ, vì dòng cá này có hình dạng và màu đỏ rất giống cá tráp đỏ ở biển nên mới có tên "Diêu hồng" hay "Điêu hồng" (tráp đỏ - chính xác phải gọi là "hồng điêu" theo tiếng Trung Quốc). Cá điêu hồng có xuất xứ và được lai tạo thành công ở Đài Loan, và được nuôi ổn định ở đây từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Đến năm 1997, cá điêu hồng được nhập về Việt Nam để nuôi thương phẩm. Hiện nay, cá diêu hồng đã phát triển rất tốt trong điều kiện khí hậu địa phương và là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
Cá diêu hồng đã phát triển rất tốt trong điều kiện khí hậu địa phương và là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao
Toàn thân cá phủ vảy màu đỏ hồng hoặc màu vàng. Cũng có những cá thể trên thân có màu hồng xen lẫn những đám vảy màu đen. Cá điêu hồng là sản phẩm của quá trình lai giữa hai loài cá rô phi khác nhau, cá cái O. mossambicus bị đột biến màu đỏ cam và cá đực O. niloticus, tạo ra các đàn con có tỷ lệ giới tính tương đối bằng nhau.
Do đó khi nuôi cá điêu hồng, việc chúng sinh sản nhiều là điều dễ xảy ra. Hậu quả của quá trình thành thục sinh dục sớm và sinh sản không kiểm soát của loài cá này đã dẫn đến mật độ nuôi quá cao cũng như sự phát triển còi cọc trong ao nuôi. Do đó, kiểm soát sinh sản và cải thiện chất lượng thịt là rất quan trọng đối với loài cá thương mại này.
Điều kiện sống đặc biệt của cá điêu hồng
Giống như cá rô phi, cá điêu hồng là một loài cá nước ngọt, chịu phèn kém, và vẫn phát triển tốt trong môi trường nhiễm mặn nhẹ 5-12 phần nghìn. Cá điêu hồng ăn tạp, thức ăn thiên về nguồn gốc thực vật như cám, bã đậu, bèo tấm, rau muống và các chất như mùn bã hữu cơ, tảo, ấu trùng. Tuy nhiên hiện nay cá nuôi với mật độ cao, quy mô lớn nên hầu hết sử dụng thức ăn viên (độ đạm 20-25%) để dễ kiểm soát và hạn chế thất thoát.
Cá điêu hồng tự nhiên sống được trong nhiều độ mặn khác nhau. Ở độ mặn 36‰, cá điêu hồng vẫn sinh sản được, mặc dù tỷ lệ thụ tinh và trứng nở và tỷ lệ sống thấp nhưng so với cá rô phi vằn chỉ có thể sinh sản ở mức 20‰ là tối thiểu. Tỷ lệ mắc bệnh của cá sẽ cao hơn khi cá sống ở nhiệt độ dưới 22oC, và cá chết ở dưới 16oC. Khả năng chịu lạnh không tốt của của điêu hồng đã được di truyền từ thời tổ tiên đến nay.
Cá điêu hồng là cá phủ vảy màu đỏ hồng hoặc màu vàng cũng có những cá thể trên thân có màu hồng xen lẫn những đám vảy màu đen
Sinh sản của cá điêu hồng
Việc sinh sản của cá điêu hồng cũng sẽ tương tự như đối với cá rô phi. Khi cá cái đẻ, cá đực tiết sẹ thụ tinh cho trứng và cá cái ngậm ấp trứng trong miệng. Ở nhiệt độ 30°C, trứng cá nở sau 4 - 6 ngày ấp. Thời gian ngậm cá con có thể từ 3 - 4 ngày, sau đó cá con chui ra khỏi miệng cá mẹ. Khi hết cá con trong miệng, cá mẹ mới đi kiếm ăn và tham gia vào đợt đẻ mới.
Ở thời điểm sinh sản, cá cái dành một khoảng thời gian khá dài để ấp trứng và nuôi con trong khoang miệng, nên giảm hẳn đi việc bắt mồi. Do đó, khi nuôi thương phẩm lấy thịt, người ta thường chọn đàn cá điêu hồng giống toàn đực để cá tập trung vào tăng trưởng, tăng trọng lượng thịt cá.
Sự ưa chuộng của người tiêu dùng với cá điêu hồng
Không quá bất ngờ khi cá điêu hồng được ưa chuộng hơn cá rô phi, mặc dù có thể nói chúng là cùng một loài. Trong khi sự tăng trưởng của cá điêu hồng chỉ có bằng hoặc hơn cá rô phi trong cả nước ngọt và nước mặn. Người ta cũng đánh giá cá điêu hồng “ít ồn ào” hơn cá rô phi trong quá trình đánh bắt và vận chuyển, nên thương tích thấp hơn.
Cá điêu hồng thụ động hơn trong quá trình thu hoạch và không giỏi thoát khỏi lưới vây bằng cách nhảy qua hoặc bơi dưới lưới, nên cũng là dễ vận chuyển sống hơn. Điều này cũng góp phần làm cho thịt cá điêu hồng giữ được vẻ tươi ngon. Việc người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho cá điêu hồng so với cá rô phi là vì lẽ đó.
Nghề nuôi cá điêu hồng ở Việt Nam
Nghề nuôi cá điêu hồng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn nhất là về chất lượng con giống.
Thứ nhất: Tăng trưởng kém, cá điêu hồng nuôi bè hoặc nuôi đăng quầng sau 6 tháng có thể đạt trung bình 500g/con, mức tăng trưởng này chỉ bằng 80% so với cá rô phi vằn dòng GIFT, do đó hiệu quả kinh tế chưa cao.
Cá điêu hồng thụ động hơn trong quá trình thu hoạch nên cũng là dễ vận chuyển sống hơn góp phần làm cho thịt cá điêu hồng giữ được vẻ tươi ngon
Thứ hai: Sức sống thấp, con giống có sức khỏe kém, dễ bệnh, tỷ lệ hao hụt cao (tỷ lệ chết là 35% theo một báo cáo vào năm 2014) và có thời điểm tỷ lệ hao hụt lên tới 70% (2016) từ giai đoạn cá giống đến khi thu hoạch) làm tăng chi phí sản xuất, nghề nuôi đạt hiệu quả kém.
Các chỉ tiêu trong quá trình nuôi đều bị ảnh hưởng từ chất lượng con giống thấp, ví dụ như tỉ lệ sống thấp, hệ số chuyển hóa thức ăn cao, chi phí thuốc phòng trị bệnh tốn kém.
Thứ ba, cá điêu hồng hiện nay có màu sắc không thuần nhất, đôi khi lẫn nhiều đốm đen, làm giảm giá trị của sản phẩm. Thị trường thì luôn ưa chuộng và trả giá cao hơn cho những cá thể có màu hồng phấn hoàn toàn.
Do đó, cần thiết phải có những nghiên cứu điều chỉnh ngay từ bây giờ để cải thiện chất lượng con giống cá điêu hồng.