Năm 2012, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam phát triển khá mạnh sau khi có được chứng nhận ASC đầu tiên của Công ty Hoàng Long Seafood, sau đó nhiều doanh nghiệp khác cũng đầu tư nuôi cá rô phi và đạt được 4 chứng nhận ASC (tương đương với Trung Quốc).
Tuy nhiên, chỉ 2 - 3 năm sau thì xuất khẩu cá rô phi Việt Nam có dấu hiệu “tuột dốc” do vấp phải sự cạnh tranh về giá với cá rô phi Trung Quốc. Tại thị trường châu Âu, cá rô phi Việt Nam đã chiếm được những phân khúc nhỏ và cánh cửa thị trường dần mở ra.
Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị tốt về con giống, kỹ thuật nuôi, chế biến và nhất là không chọn đúng lợi thế phát triển mà đối đầu trực tiếp về giá bán với Trung Quốc thì rất dễ thất bại, bởi giá cá rô phi của nhà máy lớn của Việt Nam cao hơn 60 - 70 cent/kg so với Trung Quốc, còn phile có thể chênh lệch giá 20 - 30 cent.
Ông Châu Minh Đạt, đại diện Công ty Seafood Connection tại Việt Nam cho biết, việc chọn sản phẩm cá rô phi có giá cạnh tranh là rất khó nên phải chọn những sản phẩm có lợi thế để phát triển. Cụ thể, cá điêu hồng có thể coi là “viên ngọc quý” trong các sản phẩm cá rô phi. Mấy chục năm qua, cá điêu hồng được người dân lựa chọn phát triển do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sức sống tốt hơn các loại cá rô phi đen/vằn.
Trong khi đó, nguồn giống cá rô phi đen/vằn vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước ngoài từ Thái Lan, Philipines, Trung Quốc...Việc nhập giống này tốn kém chi phí và bị hao hụt lớn (40% - 60%/lô), dẫn đến hiệu quả kém, nhiều nhà máy phải thu hẹp vùng nuôi hoặc ngừng nuôi.
Hiện nay, nguồn cá điêu hồng giống trong dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, người nuôi cá điêu hồng vẫn chủ động được nguồn giống, kỹ thuật nuôi cá điêu hồng khá tốt.
Cạnh tranh cá điêu hồng trên thị trường thế giới không nhiều do Trung Quốc và Đài Loan vẫn nuôi cá điêu hồng nhưng điều kiện bất lợi về diện tích (diện tích mặt nước nuôi nhỏ so với ĐBSCL), mùa vụ (không nuôi được quanh năm) và thị trường (ưu tiên tiêu thụ nội địa), không thể cạnh tranh với Việt Nam.
Tại Thái Lan, giá cá điêu hồng tại thị trường nội địa rất cao nên không chú trọng đến xuất khẩu. Quốc gia này đã từng nhập khẩu cá điêu hồng Việt Nam để bán cho người tiêu dùng trong nước hoặc xuất đi các thị trường khác.
Thời gian qua, các tỉnh ĐBSCL đều ủng hộ việc nuôi cá điêu hồng để xuất khẩu, trong đó tỉnh Đồng Tháp đi tiên phong, chỉ cần đảm bảo giá ổn định, cung ứng cho nông dân thức ăn, thuốc để họ yên tâm sản xuất và có các cam kết tiêu thụ sản phẩm với giá trung bình 30.000 - 32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu làm từng địa phương như vậy sẽ rất manh mún.
Chương trình 300.000 tấn cá rô phi cần phải làm một cách đồng bộ. Chúng ta nên làm tốt đối với cá điêu hồng đang có sẵn nguồn trong dân, chứ không đi làm cá rô phi phải nhập giống từ các nước khác. Các nhà sản xuất tập trung sản xuất tại thị trường, liên kết với nông dân là tốt nhất, tự nhà máy nuôi sẽ không quản lý nổi vì thất thoát rất lớn, chi phí cao. Chỉ có nông dân nuôi nhỏ lẻ mới có thể nuôi được với giá cạnh tranh 28.000 - 29.000 đồng/kg, nhà máy nuôi giá thành sẽ là 30.000 đồng/kg trở lên.
Theo ông Châu Minh Đạt, để phát triển cá điêu hồng bền vững trong thời gian tới thì Nhà nước cần hỗ trợ về con giống. Các chương trình giống cá điêu hồng cần phải làm bài bản, hiệu quả cao nhất. Việc phát triển cá điêu hồng là hoàn toàn có thể nếu các giải pháp được thực hiện đồng bộ và giữ giá ổn định lý tưởng 30.000 - 32.000 đồng/kg cho cả người nuôi và nhà máy và người mua. Đặc biệt, nếu Việt Nam xây dựng hình ảnh con cá điêu hồng gắn với ĐBSCL và làm thương hiệu Quốc gia thì sau này chúng ta có thể phát triển cả sản phẩm phile.