Công ty nuôi trồng thủy sản AquAdvantage có trụ sở tại bang Massachusetts hôm 30/5 đã bán một lô trứng cá hồi Đại Tây Dương biến đổi gene cho một cơ sở ở thị trấn Albany, bang Indiana. Đây là lần đầu tiên động vật biến đổi gene (dùng làm thực phẩm) được thương mại hóa ở Mỹ.
Cá hồi Đại Tây Dương biến đổi gene, còn được gọi là cá hồi AquAdvantage, được phát triển vào cuối những năm 1980 bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Memorial Newfoundland (Canada). Chúng là giống cá hồi Đại Tây Dương được bổ sung hormone tăng trưởng từ cá hồi Trung Quốc và vùng gene khởi động từ một loài cá nheo đại dương có vẻ ngoài giống lươn.
Việc biến đổi gene cho phép cá hồi phát triển nhanh hơn nhưng không ảnh hưởng đến kích thước cuối cùng của chúng. Cá hồi AquAdvantage có thể đạt kích thước tiêu chuẩn để tiêu thụ trên thị thường chỉ trong vòng 16 - 18 tháng, trong khi cá hồi hoang dã thông thường mất tới 28 - 36 tháng. Lô trứng mới được xuất tới cơ sở ở Albany hôm 30/5 sẽ sớm nở và dự kiến có thể thu hoạch vào cuối năm 2020.
Việc thương mại hóa cá hồi biến đổi gene đã được chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), với hy vọng giảm bớt gánh nặng lên quần thể cá hồi hoang dã đang bị đánh bắt quá mức. Tuy nhiên, vụ việc vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà hoạt động vì môi trường và người dân bản địa.
Mặc dù cá hồi AquAdvantage được kết luận là không gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người, những người phản đối vẫn lo ngại sự phát triển quá nhanh của chúng có thể gây hại tới quần thể cá hồi hoang dã bản địa. Nếu cá hồi biến đổi gene nuôi nhốt thoát ra các con sông hoặc đại dương, chúng có thể trở thành một loài xâm lấn.
"Cá hồi hoang dã linh thiêng và quý giá của chúng tôi giờ đây thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn. Thật nực cười khi cho rằng con người có thể cải thiện sự hoàn hảo của thiên nhiên. Đó chỉ là sự biện minh cho lòng tham của công ty (AquAdvantage)", Fawn Sharp, người đứng đầu bộ tộc Quinault chỉ trích.