Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà hàng, khách sạn đóng cửa khiến các trang trại nuôi cá hồi ở Sa Pa gặp khó vì không tìm được đầu ra, trong khi cá đã đến kỳ thu hoạch.
Anh Đỗ Tiến Thắng, chủ một trang trại nuôi cá hồi, cá tầm, đồng thời là Chủ tịch Hội Cá nước lạnh Sa Pa, cho biết, đặc thù của cá hồi giống cá trứng đến lứa là phải bán ngay nếu không cá đẻ trứng xong sẽ chết. Đối với những hộ có điều kiện kinh tế, có hệ thống nhà hàng tiêu thụ thì có thể nuôi cầm chừng, chờ đến khi các nhà hàng mở cửa trở lại nhưng với những hộ đang phải vay mượn ngân hàng thì phải bán gấp.
“Như mọi năm, thương lái tranh nhau mua cá hồi, mỗi ngày có 20 chuyến xe chở về Hà Nội bán. Cá chưa kịp có trứng thì đã bán sạch nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch, mỗi hộ vẫn đang tồn 3-5 tấn cá. Cá hồi trưởng thành, đến tuổi không bán thì nó sẽ đẻ trứng và khắc chết. Nhiều hộ nuôi cá phải vay mượn tiền ngân hàng, quy mô nhỏ, nên giờ họ phải bán tháo, bán gấp để thu hồi vốn”, anh Thắng nói.
Ông Phạm Bá Uyên, Chủ tịch Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 150 cơ sở nuôi cá nước lạnh, trong đó có 8 cơ sở sản xuất, nuôi dưỡng giống thủy sản với thể tích ước đạt 3 tháng đầu năm 55.000m3, chủ yếu nuôi tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn... sản lượng ước đạt 375 tấn.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm cho Sa Pa thông qua các nhà hàng, quán ăn và các cơ sở bán cá nước lạnh tại thị trấn Sa Pa, một số cung ứng ra thị trường thành phố Lào Cai, Hà Nội.
Tuy nhiên, đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến sản xuất, cung ứng thủy sản nước lạnh trên địa bàn, làm giá cá hồi, cá tầm hiện nay giảm mạnh khoảng 150.000-170.000 đồng/kg (giảm 40%).
Đến nay sản phẩm cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi cơ bản không tiêu thụ được, lượng cá còn khoảng 250 tấn nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì dẫn đến phát sinh chi phí, thiếu vốn, sản xuất cho các hội viên nuôi trồng thủy sản nước lạnh.
Hiện hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán hàng online nên sản lượng tiêu thụ thấp.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết số lượng tồn khá nhiều, nguyên nhân là các hộ tập trung nuôi trồng để phục vụ cho mùa du lịch cao điểm Sa Pa, mùa hè năm nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cá không tiêu thụ được.
Theo ông Nhẫn, cá hồi phải chăm sóc rất đặc biệt nếu không cá sẽ chết. Thức ăn cũng nhập khẩu nên chi phí đắt. Mặt khác, những con cá trên 2kg, khoảng 2 năm tuổi có trứng thì chết nên không thể để được. Có ba giải pháp là sấy, làm ruốc hoặc làm lạnh. Tuy nhiên, việc sấy, làm ruốc với số lượng lớn như vậy gặp khó khăn trong việc bảo quản. Còn về quy trình làm lạnh, hiện nay tỉnh Lào Cai chưa có cơ sở nào cấp đông sâu cho sản phẩm cá hồi. Cho nên bà con chỉ có thể nuôi cầm chừng, một số bắt tỉa bán và sấy.
Việc kết nối đến hệ thống siêu thị khó khăn do Hà Nội đang triển khai các phương án chống dịch. Vì thế, ông hi vọng các đơn vị có kinh nghiệm có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi cá hồi ở Lào Cai trong việc dự trữ, cấp đông, sau dịch có thể ăn như cá hồi Na Uy.
Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Bá Uyên, Chủ tịch hội nghề cá nước lạnh Lào Cai kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai báo cáo trung ương bổ sung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, miễn thuế, được vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã của Hội cá nước lạnh.