Khi gà cất tiếng gáy xua tan màn đêm, chân trời bắt đầu xuyên qua làn sương đêm cô đặc cũng là lúc cả làng Vạn rục rịch thức dậy. Tiếng xe đánh thức người làng Vạn, những ánh đèn được bật, tiếng cửa mở, tiếng í ới gọi nhau. Chừng năm phút, một đội quân hùng hậu tay cầm xẻng dần hình thành. Tiếng bước chân, tiếng nói cười phụ nữ nhiều dần từ đầu làng Vạn ra đến bãi cát sông Trà Khúc mưu sinh. Người làng Vạn thức dậy khi nghe tiếng xe tải chở cát ì ạch bò qua con đường cắt ngang làng.
Xe chạy trước, người theo sau. Hơn trăm người tiến về phía bãi cát bắt đầu một ngày mưu sinh. Ở làng Vạn có một thứ không thể thiếu là xẻng, nồi cơm đầy hay vơi dựa vào ngày hôm đó chiếc xẻng được sử dụng nhiều hay ít. Cả làng có hơn 140 hộ thì từng ấy nhà có người làm nghề xúc cát thuê. Chẳng biết từ bao giờ một quy định bất thành văn cả làng phải tuân theo, mỗi gia đình chỉ được đi một người để công bằng những hộ khác. “Cùng mưu sinh cả, nhà đông hay nhà ít gì cũng phải công bằng, làng này chỉ giúp nhau chứ không tranh nồi cơm của nhau” - chị Nguyễn Thị Tâm nói.
Nghề xúc cát nặng nhọc nhưng không phân biệt đàn ông, phụ nữ, người già hay trẻ nhỏ. Những đôi tay chai sạn, nhăn nheo của người già thì vun cát thành đống, chuyển cát. Còn đôi tay khỏe mạnh thì thoăn thoắt xúc cát đưa lên thùng xe. Công việc đều đều như thế cho đến khi xe đầy cát. Tiền công chia đều cho những ai tham gia xúc cát. Người già nhất trong làng là cụ Nguyễn Thị Hoa, còn hai cái xuân nữa là cụ đủ 70 tuổi, nhưng ngày nào cụ cũng có mặt trên bãi. Cụ cười hiền nói không đi thì lấy cái gì mà ăn, ông nhà đã hơn 80 tuổi, đau ốm triền miên.
Những ai trẻ khỏe thì dùng xẻng chuyển cát từ dưới bãi bồi sông Trà Khúc lên xe, ai già yếu thì bới cát từ bãi ra cho người khác xúc đưa lên thùng. Người làng Vạn ngầm hiểu chia nhau làm. Anh Bùi Xuân Chúc (30 tuổi) đôi tay co quắp, dáng đi sấp ngửa được cho làm công việc nhẹ nhàng nhất cùng với những người già. “Nó bị tật bẩm sinh, không muốn ăn bám gia đình nên cùng người làng ra bám bãi để có thu nhập” - bà Nguyễn Thị Hà cho biết.
Những ngày xe cát đến bãi cát, làng Vạn tấp nập xuyên đêm để phục vụ các công trường lớn. Bám bãi, kể cả buổi trưa, nhiều chị em tiết kiệm thời gian ăn trưa ngay tại bãi, xe tới lại bỏ dở bữa ăn vây lấy xe xúc cát. Mỗi xe cát 5m3 người làng được trả 190.000 đồng rồi chia nhau. Trung bình mỗi ngày xúc 50 xe, mỗi người trong làng kiếm được 100.000 đồng, ai cũng vui.
Trong ký ức người dân làng Vạn, chục năm trước dân làng chủ yếu làm nghề chài lưới quanh năm trên sông Trà Khúc. Cả làng sống dựa vào tôm, cá trên sông. Thế rồi sông Trà Khúc vắt ngang phía bắc TP Quảng Ngãi ngày càng trơ đáy vào mùa khô, hung tợn vào mùa mưa. Ghe, lưới được treo trên chuồng bò, đợi đến mùa mưa đưa xuống chống chọi với dòng nước dữ. Nghề đánh bắt thủy sản của dân làng Vạn lùi vào dĩ vãng với những bãi bồi nổi lên giữa sông Trà Khúc.
Từ ngày sông Trà Khúc trơ đáy, làng Vạn bỏ lưới sắm xẻng bám bãi cát sông Trà để mưu sinh. Nhưng bám bãi cũng chỉ được mùa khô, mùa mưa đến nước ngập bãi, người dân xóm Vạn lại cất xẻng chuyển sang nghề khác. “Nghề này chẳng thể làm mãi, con cháu không thể bám vào đây mà sống. Tôi làm cho đến khi gia đình ổn định thì nghỉ, chứ múc mãi lại đau lưng”, chị Bình tâm sự.
Làng Vạn bám sông từ xa xưa, mà sông không còn như thuở ban đầu. Trưởng thôn Thọ Lộc Tây, ông Trần Văn Hùng nói: “Đất sản xuất có hạn, dân trong làng ngày một đông. Làng Vạn giờ như “thành phố”, khi con cái sinh ra lập gia đình rồi lại làm nhà, tách hộ, không có nghề nghiệp gì ổn định lại ra sông xúc cát.