Trước năm 2000 Phong Lạc là vùng ngọt hóa nên mô hình canh tác chủ yếu của người dân gồm hai vụ lúa một năm. Thời điểm này lúa trúng mùa liên tục, người dân còn trồng thêm cây ăn quả và rau màu nên cuộc sống khá ổn định. Đến năm 2000, ba xã Phong Lạc, Phong Điền, Lợi An (huyện Trần Văn Thời) được tỉnh cho phép chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm. Toàn xã có hơn 3.000 hécta, luân canh mỗi năm có một vụ trồng lúa và thả giống nuôi tôm để tạo môi trường sinh thái bền vững. Bà con đa phần nuôi tôm sú, sau đó nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm công nghiệp để nâng cao năng suất. Thời gian đầu tôm mang lại lợi nhuận cao, dễ nuôi khiến cuộc sống người dân nhanh chóng phất lên như diều gặp gió, nhưng chỉ vài năm sau thì tôm mất mùa liên tiếp khiến không ít hộ chới với.
Ông Huỳnh Văn Bình (SN 1948, ngụ ấp Rạch Bần B) bần thần: “Nhà tôi có hai công tôm. Nuôi tôm bây giờ cũng chỉ đủ mua giống, phân thuốc để hoàn vụ mới và còn chút đỉnh trang trải chứ chẳng dư dả được gì. Ấp này giờ chỉ một, hai hộ còn sổ đỏ thôi, hầu hết đều cầm ngân hàng để vay tiền xoay vốn nuôi tôm hết rồi”. Ở cạnh nhà ông Bình, ông Huỳnh Văn Kiều (SN 1955) nuôi 1,6 hécta tôm cũng buồn bã cho biết: “Năm 2001, tôi cầm sổ đỏ vay ngân hàng 40 triệu đồng để nuôi tôm. Có những năm thất bát không đủ tiền đóng lãi, ngân hàng bắt vay thêm vốn đắp vào, giờ số nợ lên đến 80 triệu”. Tương tự, ông Nguyễn Việt (ảnh, SN 1957, ngụ ấp Lung Dòng) chua xót: “Lúc đầu tôi vay hơn 10 triệu đồng làm vốn nuôi tôm, sau hơn 13 năm giờ tiền nợ của tôi lên đến 270 triệu. Chúng tôi giờ hoang mang lắm, không biết làm cách nào trả hết được”. Năm 2001, ông Việt chuyển đổi 2.000m2 trồng lúa sang nuôi tôm theo chương trình chung, được vài năm con tôm trượt dài trong thất bát làm các hộ dồn vốn vào hầm tôm xanh mặt vì thua lỗ.
Theo Trưởng ấp Hồ Thới, chỉ cần trễ lãi một tháng là ngân hàng nhập luôn vào vốn, hết tháng này qua năm nọ như vậy nên người dân ở đây từ vay vài chục triệu giờ lên vài trăm triệu là chuyện bình thường. “Tất cả đều quyết tâm trả, chỉ có điều không biết làm cách nào khi phải chạy ăn từng bữa mà thôi”, ông ngậm ngùi. Trước tình cảnh này, bà con rất mong được ngân hàng khoanh nợ, vì nếu họ “mạnh tay” thì nhiều hộ sẽ mất nhà, mất đất...