Nắng nóng gay gắt, mực nước trong ao nuôi giảm thấp, độ mặn tăng cao, kết hợp với sự xuất hiện của một số cơn mưa trái mùa… được nhận định là nguyên nhân chính khiến nhiều diện tích nuôi tôm, nhất là loại hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 45 ha nuôi tôm công nghiệp; hơn 1.300 ha nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến bị dịch bệnh, tăng hơn 430 ha so với cùng kỳ.
Phần lớn diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh xảy ra từ đầu tháng 3 đến nay, tập trung khu vực Bắc Cà Mau. Các loại bệnh chủ yếu là đỏ thân, đốm trắng, gan tụy… mức độ thiệt hại từ 30% đến 50% năng suất.
Thời điểm này, một số tuyến sông, kênh rạch tại nhiều khu vực cũng bắt đầu cạn nước. Không đủ nước nuôi tôm, một số hộ cũng đã nghĩ đến việc khoan nước ngầm để bổ sung nguồn nước trong ao đầm, tuy nhiên, cách thức này không được ngành chuyên môn khuyến cáo.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, nắng hạn sẽ còn tiếp tục kéo dài đến khoảng cuối tháng 5, trong đó có những đợt nắng nóng gay gắt, vì thế, độ mặn thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao. Ngành chuyên môn khuyến cáo, người nuôi tôm không nên nóng vội thả nuôi trong điều kiện độ mặn trong ao nuôi còn khá cao; nếu thấy độ mặn thích hợp có thể tiến hành thả tôm thì không nên thả với mật độ quá dày khiến tôm chậm lớn và hạn chế việc thay nước trong lúc triều cường, độ mặn ngoài sông cao. Đối với ao nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh nên thiết kế lưới che để giảm nhiệt độ và vệ sinh ao đầm sạch sẽ.
Trường hợp nhận thấy việc nuôi tôm không đạt hiệu quả, người dân có thể tạm chuyển sang thả nuôi các loại thủy sản khác có khả năng thích nghi tốt với môi trường có độ mặn cao để giảm thiệt hại và nâng cao hiệu quả sản xuất.