Mô hình nuôi tôm thẻ ương được triển khai tại 5 địa điểm thuộc tỉnh Cà Mau là xã Trần Phán thuộc huyện Đầm Dơi, xã Hòa Mỹ thuộc huyện Cái Nước, thị trấn Rạch Gốc của huyện Ngọc Hiển, xã Phú Tân thuộc huyện Phú Tân, xã Phan Lạc thuộc huyện Trần Văn Thời.
Tùy vào tình hình thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai của các huyện mà năng suất và chất lượng sản phẩm tôm cũng khác nhau. Tuy nhiên qua đánh giá, cả 5 địa điểm nuôi tôm trên đều mang lại hiệu quả cao, năng suất đạt từ 6 - 9 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 136 - 773 triệu đồng/ha.
Theo ông Hồ Văn Khen, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, nuôi tôm theo cách này cần nguồn điện ổn định, không được nuôi nhiều vụ trong năm do thời gian cải tạo ao đầm dài và không nuôi được mật độ cao. Sau 82 ngày nuôi tôm thẻ ương trong ao lót bạt, tôm đạt trọng lượng 55 con/kg. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi tôm mới này cho lãi gần 500 triệu đồng trên diện tích 4 ao nuôi của gia đình.
Nuôi tôm theo mô hình này có chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ít, dễ quản lý môi trường, hạn chế rủi ro từ dịch bệnh, không sử dụng thuốc kháng sinh trong suốt quá trình nuôi mà chỉ sử dụng vi sinh xử lý môi trường, dễ nhân rộng mô hình vì phù hợp với điều kiện của nhiều hộ nuôi tôm hiện nay.
Tại Cà Mau, phong trào nuôi tôm thẻ trong ao lót bạt đang được nhân rộng. Năm 2015, tỉnh Cà Mau chỉ có 14 ha với 60 ao nuôi thì hiện nay đã lên tới 353 ha với 1.278 ao nuôi.