Tôm sú bố mẹ ở Cà Mau
Nguồn tôm giống sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu thả nuôi. Sự thiếu hụt trầm trọng nguồn tôm giống kéo dài đã gây khó khăn người nuôi tôm.
Tôm giống chưa được các ngành chức năng của tỉnh quản lý chặt chẽ dẫn đến chuyện mua bán tôm giống trôi nổi, giá cả thiếu ổn định, chất lượng không đảm bảo và tiềm ẩn mầm bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tôm nuôi bị chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao.
Trước tình hình tôm giống trôi nổi, kém chất lượng làm ảnh hưởng lớn đời sống, sản xuất của người nuôi tôm, các ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi tôm nên chọn mua tôm giống tại các cơ sở có uy tín, tôm giống phải đảm bảo tiêu chuẩn mạnh khỏe, sạch bệnh và thả nuôi đúng quy trình. Điều này, góp phần hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, giảm bớt rủi ro cho người nuôi tôm.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau còn xuất ngân sách gần 15 tỷ đồng hỗ trợ cho những hộ nuôi tôm thuộc diện nghèo, cận nghèo thực hiện quy trình lấy mẫu xét nghiệm tôm giống miễn phí nhằm phát hiện các loại bệnh đốm trằng, đỏ thân, vàng đầu, gan tụy và một số bệnh khác trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống trên địa bàn, nhất là kiểm tra xử lý tôm giống trôi nổi hoặc tôm giống được nhập từ ngoài tỉnh đồng thời tuyền truyền giáo dục 100% chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống hãy ‘’nói không’’ với việc đưa tôm giống kém chất lượng ra thị trường tiêu thụ.
Qua đó, buộc các chủ cơ sở ký cam kết phải sản xuất và mua bán tôm giống đảm bảo chất lượng, sạch bệch và kiên quyết xử lý bằng hình thức rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở cố tình vi phạm nhiều lần. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra và xử lý tiêu hủy hơn 130 triệu con tôm giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường Cà Mau./.