Tái cơ cấu nhiều mặt
Ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, cho biết 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, toàn Đảng bộ và quân, dân trong tỉnh đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 14 Đảng bộ tỉnh. Tuy chưa đạt mục tiêu “phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá so với cả nước” nhưng đã tạo cơ sở và tiền đề quan trọng để phát triển cho những năm tiếp theo.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân kết quả đạt được và những hạn chế tồn tại, đề ra giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Theo đó, toàn tỉnh cần tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển chiều sâu, gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa, phát triển sản phẩm chủ lực; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng gắn với quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, khuyến khích đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất những sản phẩm tinh chế, đa dạng hóa mặt hàng... Ngoài ra, Cà Mau cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác thị trường trong nước; huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Cải cách hành chính quyết liệt
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, năm 2015 vừa qua, cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn được triển khai đồng bộ cả về thể chế, tổ chức cán bộ và thủ tục hành chính. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện tại 18/18 đơn vị cấp tỉnh và các đơn vị cấp huyện, xã. Công tác rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính thực hiện thường xuyên. Việc áp dụng ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính thực hiện có hiệu quả; tổ chức họp trực tuyến và sử dụng hệ thống thư điện tử hoặc phần mềm VIC để trao đổi một số loại văn bản tiếp tục được duy trì.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, CCHC của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: kết quả CCHC đến nay còn quá chậm; chỉ số CCHC (PAPI, PCI) của tỉnh luôn bị đánh giá ở mức thấp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính chưa được đồng bộ, kết nối giữa các cơ quan còn hạn chế… “Để thúc đẩy và làm chuyển biến mạnh mẽ hơn công tác CCHC, UBND tỉnh sẽ lấy năm 2016 là “năm cải cách hành chính”, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính; chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông”, ông Hải cho biết.
Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về CCHC, đồng thời Tỉnh ủy cũng ban hành nghị quyết liên quan đến vấn đề trên. Song, để làm tốt vấn đề này, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: tăng cường thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn; chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi những thủ tục, quy định không còn phù hợp theo hướng đơn giản, dễ thực hiện; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp và giữa các cơ quan hành chính với nhau; đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh bằng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng thích hợp...