Cá đầy khoang, vẫn buồn!
Nói đến ngư dân Nam Trung bộ là nói đến nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Hiện 3 tỉnh có đội tàu đánh bắt cá ngừ lớn nhất là Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, với gần 2.000 tàu cá chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương tại vùng biển Trường Sa. Sau hơn 20 ngày vươn khơi, tàu cá ông Phạm Hữu Thái (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) đã cập cảng Hòn Rớ (Nha Trang) mang theo hơn 2 tấn cá ngừ đại dương còn tươi rói. Hơn 10 ngư dân trên tàu ai cũng hớn hở vì chuyến biển này bội thu. Điều đó đồng nghĩa chủ tàu và bạn tàu đều có một khoản tiền khá. Ngư dân Nguyễn Văn Thắng cười trong chiến thắng, quả quyết nói, với số cá ngừ đánh bắt được dù giá có rớt đến mấy thì nhẩm sơ chuyến này cũng lãi ròng trên 200 triệu đồng, nếu đem chia theo tỷ lệ 50/50 giữa ngư dân và chủ tàu thì 10 ngư dân trên tàu cũng có khoản thu nhập khá. Thế nhưng, khi tàu cập bến, họ bất ngờ vì được biết cá ngừ tụt giá hơn 50% so với 10 ngày trước đó, nay chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg.
Mỗi ngày, cảng Hòn Rớ đón khoảng 100 tàu đánh bắt cá ngừ của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ. Lẽ thường, tàu cập cảng, cá phải được bốc dỡ để đảm bảo chất lượng. Vậy mà nhiều ngày qua, hàng chục tàu cá vẫn cứ neo ở đây, cá thì vẫn cứ nằm trong khoang tàu. Làm nghề câu cá ngừ đại dương gần 20 năm nay, song chưa bao giờ những ngư dân Nam Trung bộ lại chứng kiến cảnh cá ngừ ứ đọng, thị trường ế ẩm như lúc này. Nếu như năm ngoái thời điểm giá thấp nhất cũng là 120.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 40.000 - 55.000 đồng.Ngay cả những tàu cá có sản lượng khoảng 3 tấn sau mỗi chuyến biển cũng khó tránh khỏi thua lỗ. Một chuyến biển kéo dài 20 ngày, số tiền ngư dân bỏ ra không dưới 150 triệu đồng. Giá cá ngừ đại dương hiện tại đang đẩy các tàu câu cá ngừ đại dương ở các tỉnh Nam Trung bộ vào tình cảnh khó mà có khả năng tái đầu tư cho chuyến biển sắp tới. Đỗ Văn Ninh, ngư dân tỉnh Bình Định, chua chát nói: “Giá cá ngừ biến động từng phút, từng giờ. Cùng một ngày, nhưng tàu cá tôi cập cảng sau tàu bạn khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhưng giá bán đã thấp hơn 15.000 đồng/kg. Đã vậy, chủ nậu còn kèo nài, đành bán tháo không thì cá hỏng mất”.
Đâu là nguyên nhân?
Theo Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, từ đầu năm đến nay sản lượng cá ngừ về cảng liên tục tăng cao, đạt gần 100 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau Tết Nguyên đán, khi vào mùa cao điểm khai thác cá ngừ đại dương, giá cá ngừ đã giảm mạnh. Đây không phải là lần đầu tiên cá ngừ đại dương bị rớt giá khi sản lượng tăng. Chính điều này đang đặt ra bài toán khó cho ngư dân, bởi nếu muốn tiếp tục vươn khơi nhanh chóng, bà con phải chấp nhận bán cá với giá thu mua thấp.
Hiện các tư thương chỉ chấp nhận thu mua cá ngừ đại dương tại cảng với mức giá cao nhất vào khoảng 70.000 đồng/kg, nếu cá bị xuống màu, chỉ còn 50.000 - 55.000 đồng/kg, thậm chí có loại cá chỉ được mua với giá 32.000 đồng/kg. Đã vậy, nếu ngư dân làm giá với các nậu thì họ sẽ không mua cá hoặc chậm thu mua, dẫn đến chất lượng cá càng giảm. Do đó, tình cảnh ngư dân báo tháo cá cho thương lái nhằm mục đích giảm lỗ đến mức thấp nhất đang diễn ra liên tục.
Năm 2012, giá cá ngừ đại dương khoảng 180.000 - 190.000 đồng/kg thì nay còn trên dưới 50.000 đồng, thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Đây là mức giảm quá sốc với người khai thác. Lý giải vấn đến nay, các chủ nậu thu mua cho rằng, nguyên nhân giảm giá là do chất lượng cá ngừ đại dương câu bằng phương pháp ánh sáng (đèn chụp) kết hợp câu tay không đảm bảo nên họ không mua giá cao được. Trong khi đó, sản lượng cá tăng mạnh khiến các công ty không đủ vốn để thu mua hết cá cho bà con. Thế nhưng, ngư dân khai thác cá ngừ lại cho rằng nghề dùng đèn cao áp để bắt cá ngừ đã có từ nhiều năm qua và dù năm ngoái họ dùng phương pháp đánh bắt này nhưng giá cá vẫn được thu mua xấp xỉ 200.000 đồng/kg.
Năm nay, tình hình xuất khẩu cá ngừ vẫn ổn định, giá xuất vẫn cao, cớ sao thương lái lại hạ giá mua quá đáng. Còn chuyện sản lượng đánh bắt nhiều dẫn đến thừa cá, theo ngư dân Trần Khởi (Phú Yên), lời giải thích của chủ nậu là không thỏa đáng, vì nhiều năm qua, ai cũng biết thời gian sau Tết Nguyên đán là lúc cao điểm khai thác cá ngừ đại dương. Điều đó là tất yếu và các chủ nậu đã chuẩn bị mọi điều kiện để thu mua. Hơn thế, việc xuất khẩu cá ngừ cũng đang thuận lợi nên dù có giảm giá, ép ngư dân cũng cần có mức độ.
Theo ông Đỗ Trung Hiệp, Trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ: “Hiện tại cảng có 5 chủ nậu chuyên thu mua cá ngừ đại dương. Mấy ngày nay, tại cảng nóng chuyện giá cả, ngư dân đảo điên vì giá cá ngừ tụt dốc, vì thế mà có cảnh người dân đòi đánh chủ nậu vì họ cho rằng bị ép giá quá đáng”.
Từ lâu nay, cá ngừ được thu mua theo kiểu thuận mua vừa bán giữa ngư dân và thương lái. Do đó, chuyện ngư dân bị ép giá thường xuyên xảy ra khi họ không còn cơ hội bán cá cho đối tác thứ hai. Trong khi đó, Hiệp hội Cá ngư lẫn ngành thủy sản Việt Nam lại chưa có một chính sách nào để hạn chế sự độc quyền, thao túng giá quá mức của chủ nậu. Và tất cả đang dừng ở chỗ kiến nghị trong khi ngư dân đang rơi vào cảnh không lối thoát.
Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, mỗi năm, sản lượng cá ngừ khoảng 15.000 tấn. Việt Nam thuộc nhóm các nước có sản lượng cá ngừ cao nhất. Thế nhưng, giá trị thực từ sản lượng cá ngừ đó lại không cao. Mấu chốt ở đây là giá bán cá ngừ Việt Nam trên thị trường xuất khẩu chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với các nước khác.
Theo nhiều ngư dân, với giá cá ngừ hiện nay, mỗi tàu cá dù đánh được 3-4 tấn cá một chuyến biển chí ít cũng lỗ trên 50 triệu đồng, do đó ngư dân khó ra khơi.