Mà đúng thật như vậy, chỉ cần đi qua nhà cô Sáu là có một thùng cá phi vừa mới bắt hoặc qua nhà cô Hai là có mấy xâu cá phơi khô được tẩm ướp tỏi ớt, hoặc nhà chế Hai sát vách là có sẵn cá phi muối sả ớt. Nhưng thường thì bà nội chỉ thích ăn cá tươi nên bà chọn những con cá vừa vừa ở nhà cô Sáu đem về để hai bà cháu cùng chuẩn bị bữa cơm.
Sau khi phụ bà mần cá, rửa sạch, đem tẩm ướp gia vị, mắm muối, dầu ăn, bắc lên kho khô và cho vào một ít tiêu hành là bà cháu tôi có ngay một nồi cá kho thơm ngon. Tôi chỉ việc chạy ra ngoài hè hái thêm ít rau mồng tơi về nấu canh nữa là có ngay buổi cơm chiều giản dị cho cả hai bà cháu.
Không riêng gì họ hàng nhà tôi, mà đối với người dân Cà Mau, con cá phi trở thành món quen thuộc xuất hiện thường xuyên trong bữa ăn hằng ngày. Do người dân Cà Mau thường nuôi tôm trong những vuông nước mặn, lợ nên cá phi sinh sôi nảy nở từng đàn với số lượng nhiều không sao đếm xuể. Chúng xuất hiện ăn các loại rong rêu và ấu trùng gây bệnh trong nước, góp phần làm sạch vuông tôm và tiêu trừ những mầm bệnh có nguy cơ gây ra cho tôm. Trước khi thả tôm, người dân thường đuổi bắt sạch số lượng cá phi có trong vuông để tránh trường hợp cá sẽ ăn tôm giống còn nhỏ. Thế nhưng, sau mỗi đợt như vậy, chúng lại tiếp tục sinh sôi nảy nở và lớn lên.
Người dân ở vùng nông thôn Cà Mau khi nào muốn ăn cá phi thì chỉ việc xách tay lưới ra vuông đuổi năm mười phút là có thể thu hoạch được cả một xô đầy cá. Những người sống ở thành thị có thể mua cá phi về nhà ăn rất dễ dàng, bởi cá có bán rất nhiều ở các chợ với giá rất rẻ. Cá phi tuy rẻ nhưng lại ngon, có nhiều chất dinh dưỡng và lượng đạm khá cao. Cá có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: cá phi chiên sả ớt, cá phi kho tương, cá phi chiên xù, cá phi luộc cơm mẻ, cá phi nấu canh chua, cá phi kho mắm... Ngoài ra, người dân còn làm các món cá phi để dự trữ như: mắm cá phi, khô cá phi, chả cá phi...
Không như con cá linh của An Giang chỉ xuất hiện một lần vào mùa nước nổi, con cá phi ở Cà Mau xuất hiện quanh năm. Tuy không cao sang nhưng nó góp phần thiết thực vào đời sống, như một món quà giản dị, thân thương, gần gũi mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất và người Cà Mau./.