Tay không bắt “quái vật”
Theo phản ánh, chập tối ngày 15/8, ông Nguyễn Văn Dự ra vuông tôm, canh chừng lú vừa đặt. Trên chiếc xuồng composite nhẹ tênh, bé xíu, lắc lư, ông Dự rảo một vòng đến vuông, cách nhà chừng 500m. Đến gần vuông tôm, ông Dự phát hiện có con vật khá to lớn, đuôi dài, đầu to, sần sùi như khúc cây mục.
Không dám bơi xuồng tới, ông Dự liên tưởng đến loại kỳ đà cũng từng có ở vùng quê mình. Nhưng con kỳ đà sống trên cạn, khi tìm mồi hoặc bị truy đổi mới nhảy xuống nước. Đứng trước con “quái vật”, ông Dự càng thấy mình nhỏ bé, yếu thế và khiếp sợ hơn. Bơi xuồng lùi lại, ông Dự móc điện thoại gọi cho hai người em vợ ở gần nhà: “Lên vuông, tiếp anh, có con gì bự quá!”. Hai người em vợ không kịp mặc áo, sẵn quần đùi, túa chạy cứu anh rể.
Sau một hồi bàn tán kỹ, ba anh em ông Dự phân công nhau bủa lưới, phòng phản đòn và tiếp tục cầu cứu hơn 10 người quanh xóm đến yểm trợ. Khi quăng lưới xuống, con quái vật tháo chạy, bị mắc lưới, gồng mình, miệng há hốc, hàm răng trắng, cắn xé rách lưới hòng thoát thân.
Vừa khống chế, vừa quăng lưới, dùng lưới quấn con quái vật hung hãn. Cái đuôi quất mạnh vào những người chạm vô. Ba anh em ông Dự cùng hàng chục thanh niên trai tráng quần nhau với con quái vật hơn 1giờ mới kéo được lên bờ vuông.
Nghe tin ông Dự bắt được cá sấu khủng, bà con trong ấp kéo đến xem đông nghịt. Gần như ngày nào nhà ông Dự cũng có người tới xem cá sấu. Ngay sáng hôm sau, ông Trần Văn Khoai (Tám Khoai) - cha vợ ông Dự nhờ mọi người thông báo ai có cá sấu sổng chuồng đến nhận, nhưng không ai đến nhận. Ông Trần Văn Khoai nói: “Chắc chủ nhân ở xa hoặc không dám nhận vì sợ trách nhiệm với con cá sấu quá lớn, rất nguy hiểm khi ra sông nước. Với con cá sấu như vầy, còn khỏe mạnh, đói mồi, rất nguy hiểm cho trẻ con tắm sông, lội đồng”.
Không ai dám tắm sông vì sợ lại gặp cá sấu
Bắt được con cá sấu “khủng”, gia đình ông Nguyễn Văn Dự mất ăn, mất ngủ và cũng mất việc làm vì quá đông người đến xem. Ông Nguyễn Văn Dự kể: “Không mở cửa chuồng ra cho xem thì không được mà cho xem thì chọc phá, bàn tán, nói năng lung tung. Vợ chồng tôi buộc phải bán cho người có điều kiện nuôi nấng”.
Ngày 19/8, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cử cán bộ đến nhà ông Dự để hỏi rõ chi tiết, tình hình, diễn biến vụ bắt con cá sấu. Nhưng việc xử lý động vật hoang dã gây nuôi, sổng chuồng và bắt được thì do ông Dự tự xử lý.
Theo tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau tiếp nhận 160 hộ dân, đăng ký nuôi 5.369 con cá sấu. Ông Phan Hùng Dũng, cán bộ Kiểm lâm Cà Mau cho biết thêm: “Chúng tôi đã kiểm tra với tầnn suất 2 lần/năm với các hộ nuôi cá sấu. Nhưng khi người dân bán cá sấu không trình báo nên rất khó xác định cá sấu còn nuôi trên địa bàn là bao nhiêu?”.
Trên thực tế, tại khu vực này đã từng xảy ra không ít vụ cá sấu xổng chuồng khiến dư luận bất an. Chẳng hạn, khoảng giữa tháng 10/2012, Trang trại nuôi cá sấu của Cty TNHH chế biến thủy sản Quốc Việt tại ấp Cây Trâm A, xã Định Bình (TP.Cà Mau), mưa lớn làm sụp tường rào khiến hàng trăm con cá sấu sinh sản sổng chuồng. Sau nhiều ngày tầm nã, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau xác định có 100 con cá sấu từ 50-80 kg thoát ra ngoài và bắt được 98 con. Vài ngày sau đó, ở chợ Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi), xã Tam Giang (Ngọc Hiển) lại rộ lên tin đồn cá sấu nổi trên sông nhưng không ai bắt được...
Trở lại câu chuyện bắt được cá sấu “khủng” ở xã Hưng Mỹ, sau vụ việc này, những người dân sống trong vùng đều thường trực tâm trạng lo lắng. Họ thường xuyên cảnh giác và tăng cường để mắt đến con vật lạ trên sông rạch. Trẻ em ở gần nhà ông Dự cũng bỏ dần thói quen tắm sông như trước.