Sản lượng ít, giá lại giảm
Ông Lê Văn Dũng (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết ông nuôi 2 ha cá tra ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Cá đang trong giai đoạn thu hoạch, đạt 800 g/con nhưng một tuần nay giá bất ngờ sụt giảm, chỉ còn 25.500 đồng/kg. Trong khi cách đây nửa tháng, giá cá còn ở mức 29.000 đồng/kg. Giá giảm nhưng thương lái lại không mua.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), trước Tết nguyên đán, một số xã viên bán cá tra được giá khá cao, từ 29.000-30.000 đồng/kg. "Giá cá tra mới giảm khoảng một tuần nay, hiện chỉ còn 24.000 đồng/kg. HTX còn 5 ao cá với sản lượng khoảng 250 tấn, do thấy giá giảm nên nhiều hộ chưa bán" - ông Phong nói.
Tại Vĩnh Long, nhiều người nuôi bất ngờ vì sau Tết giá cá tra giảm dần, từ 29.000 đồng/kg xuống 27.000 đồng/kg và hiện chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg. Ông Lê Thành Thức, Phó trưởng Phòng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, nhìn nhận: "Giá cá tra ở địa phương hiện chỉ ở mức 24.000-25.000 đồng/kg, nhưng giá thành sản xuất đã là 23.000 đồng/kg. Với hộ nông dân nuôi thì với giá này xem như hòa vốn, còn công ty nuôi thì lỗ vì phải tốn thêm chi phí nhân công. Nguyên nhân giá giảm do trong quý II, các doanh nghiệp chưa có hợp đồng xuất khẩu mới nên họ chậm thu mua".
Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - cho biết hiện giá cá tra nguyên liệu loại 1 dùng cho chế biến xuất khẩu chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg, bằng hoặc thấp hơn giá thành, người nuôi cầm chắc từ hòa đến lỗ vốn. Nguyên nhân là giá thành sản xuất tăng cao là do cá giống thả nuôi bị hao hụt rất lớn, có hộ thiệt hại lên đến 80%. Nếu thời tiết thuận lợi và ít dịch bệnh thì mỗi hecta thả nuôi có thể thu hoạch 600-700 tấn cá tra nguyên liệu. Thế nhưng, do cá bị hao hụt quá lớn nên sản lượng chỉ bằng 1/3 trước đây.
"Hiện giá cá tra đã giảm khoảng 12.000 đồng/kg so với tháng 10-2018 là 37.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người hỏi mua. Ở đây hiện có 4 hộ như ngồi trên đống lửa vì cá của họ đúng kích cỡ xuất khẩu với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn nhưng không có doanh nghiệp nào chịu mua. Vài doanh nghiệp giải thích do họ chưa ký được hợp đồng mới với thị trường Mỹ và châu Âu nên không dám mua cá nguyên liệu" - ông Nguyên nói.
Xuất khẩu chậm lại
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh An Giang (AFA), thừa nhận ông cũng không rõ tình trạng này do đâu bởi 2018 là năm đại thành công của ngành cá tra Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỉ USD, tăng 26,5% so với năm trước.
Theo phân tích của ông Phan Hoàng Duy, Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), do thị trường tiêu thụ lớn nhất cá tra Việt Nam là Mỹ giảm nhập khẩu khiến giá cá trong nước tụt xuống. "Cuối năm 2018, Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ số lượng lớn cá tra nên bên đó đang tồn hàng, họ nhập khẩu chậm lại. Tuy nhiên, dự báo giá cá nguyên liệu sẽ tăng khi thị trường Mỹ tăng nhập khẩu trở lại" - ông Duy dự báo.
Ông Duy cho biết thêm một số tỉnh ở Trung Quốc đã nuôi được cá tra và đang nhân rộng diện tích nuôi. Do đó, ngành cá tra Việt Nam có thể "hơi mệt" trong thời gian tới. Vì vậy, phải chú trọng nâng chất lượng cá tra để dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, phòng tránh rủi ro ở Trung Quốc.