Không chỉ làm tăng chi phí, việc tăng tần suất kiểm tra khiến cho nguy cơ các lô hàng bị trả về là rất cao. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ đang ngồi trên đống lửa…
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ nói quy định kiểm tra 20% lô hàng được áp dụng hơn một tháng nay, tuy chưa có trường hợp nào vi phạm dẫn đến cấm xuất khẩu, nhưng chi phí lấy mẫu xét nghiệm đã đội lên tới bảy tám ngàn đôla Mỹ mỗi container. Nguyên tắc là các lô hàng tới cảng, cơ quan hải quan Hoa Kỳ sẽ giữ lại 20% để cơ quan quản lý an toàn thực phẩm lấy mẫu, nếu lô hàng đó đạt thì họ mới tiến hành cấp phép cho thông quan. Như vậy là doanh nghiệp vừa tốn phí kiểm tra chất lượng, vừa tốn phí lưu kho cảng, và quan trọng là chậm thời gian giao hàng cho khách. Thiệt hại trong vụ này là quá lớn, nhưng quy định của Mỹ đưa ra thì các doanh nghiệp buộc lòng phải chấp hành. Trường hợp bị nhiễm kháng sinh vượt quy định, bắt buộc phải tái xuất, doanh nghiệp còn phải tốn thêm khá nhiều chi phí vận chuyển, bảo hiểm…
Hiện nay, trên thực tế bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp phép cho hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu cá tra vào Mỹ, nhưng chỉ có ba bốn đơn vị đáp ứng được thuế suất thấp để xuất khẩu. Mỗi doanh nghiệp cũng chỉ có một số nhà máy được cấp code để xuất khẩu. Trước tình trạng phía Mỹ nâng tần suất kiểm tra lên 20%, rủi ro hàng bị nhiễm kháng sinh khá cao, nên nếu hàng sản xuất từ nhà máy nào bị phát hiện thì xem như cơ hội đưa cá tra vào Mỹ của doanh nghiệp thu hẹp dần.
“Một doanh nghiệp có hai nhà máy – hai code để xuất khẩu, lỡ rủi ro bị dính một nhà máy thì cơ hội ở thị trường Mỹ giảm đi một nửa, mất cả hai thì đứng ngoài cuộc chơi!”, một doanh nghiệp nêu ví dụ.
Thấy trước được mối nguy này, hồi cuối tháng 4, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) cũng đã ra quy chế áp dụng chế độ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) đối với 100% lô hàng cá thuộc bộ Siluriformes-ca tra xuất khẩu vào Mỹ, thời gian áp dụng từ ngày 17/4 đến hết ngày 31/8/2017.
Các chỉ tiêu kiểm nghiệm mà bộ Nông nghiệp đưa ra cũng trùng với chỉ tiêu mà Mỹ đang áp dụng, gồm: Salmonella, Malachite Green/Leuco Malachite Green, Enrofloxacine/Ciprofloxacine, Crystal Violet/Leuco Crystal Violet và Nitrofurazone (SEM).
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, các cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền của Mỹ cảnh báo không đạt yêu cầu về chất lượng và ATTP cũng không được bộ kiểm tra, cấp chứng thư cho xuất khẩu. Việc tạm ngừng sẽ được kéo dài cho tới khi cơ sở hoàn thành điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp và được cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (bộ NN&PTNT) thẩm tra đạt yêu cầu.
Có thể thấy rằng môi trường nuôi cá ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang quá tệ. Ô nhiễm nguồn nước cộng với chất lượng cá giống quá xấu khiến người nuôi cá phải tăng tần suất và hàm lượng kháng sinh trị bệnh. Với những cơ sở ương cá bột, việc sử dụng kháng sinh được xem như giải pháp duy nhất để có kết quả, trường hợp không sử dụng thì tỷ lệ không đạt khá cao. Cá giống vốn dĩ đã mang mầm bệnh và phải trị kháng sinh, nên khi nuôi thịt cũng phải thường xuyên dùng kháng sinh trị trực tiếp hoặc dùng để cải thiện môi trường nước trong ao. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang đau đầu về vấn đề kháng sinh, cho dù trước khi bắt cá doanh nghiệp phải cho người xuống hầm mổ cá, lấy mẫu về nhà máy xét nghiệm, nhưng tình hình vẫn không thể cải thiện triệt để.
Ngoài vấn nạn kháng sinh, con cá tra còn đang tiềm ẩn nguy cơ chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nguồn lây nhiễm từ trồng trọt, đa số là từ cây lúa. Giám đốc một doanh nghiệp ở An Giang nói nguồn nước nuôi cá tra được lấy từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu, pha tạp với nước thải từ sản xuất lúa có thuốc bảo vệ thực vật nên không cách nào gạn lắng sạch sẽ được. Đây là nguy cơ khó kiểm soát nhất và hiện nay, phía Mỹ cũng đang đặc biệt lưu tâm đến một số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà ở Việt Nam vẫn cho phép sử dụng trong sản xuất lúa.
Tới đây, chính thức là từ 1/9/2017, cá da trơn và cá tra được chính quyền Mỹ công nhận như là một loài cá da trơn, dù sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu sẽ phải chịu sự giám sát của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chịu trách nhiệm bảo đảm cá tra nhập khẩu đáp ứng tất cả các tiêu chí về ATTP. Còn thanh tra của USDA sẽ kiểm tra tất cả các khâu của chuỗi sản xuất ở Việt Nam, từ khi ương trứng cho đến sản phẩm đóng gói cuối cùng phải tương đương với sản xuất cá tại Mỹ. Quy định này cũng được dự báo gây cản trở xuất khẩu cá tra vào Mỹ.