Cũng chẳng khá hơn, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu thì thiếu vốn sản xuất, thiếu nguyên liệu phải hoạt động cầm chừng hay đóng cửa, thị trường tiêu thụ và giá cá xuất khẩu giảm… Những khó khăn này đã khiến ngành cá tra năm nay rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng.
Càng nuôi càng lỗ
Từ năm 2012 sang năm 2013, người nuôi cá tra liên tục bị thua lỗ, diện tích thả nuôi cá tra trong dân dần bị thu hẹp hay phải bán cho doanh nghiệp do giá thành nuôi cá tăng cao trong khi giá cá ở mức thấp trong thời gian dài.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá cá tra trong 9 tháng đầu năm 2013 chỉ dao đông ở mức 19.000- 22.500 đồng/kg, người nuôi cá tra lỗ từ 500- 4.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Bước sang đầu tháng 10, giá cá tra tăng lên mức 23.000- 23.500 đồng/kg trong khoảng 2 tuần rồi giảm nhẹ còn 22.000-22.800 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất cá tra dao động 23.000 đồng/kg. Do đó, hiện nay người nuôi cá vẫn chưa có lời, sản xuất không phát triển, nhiều ao tiếp tục bị treo, người nuôi cá không có khả năng tái sản xuất.
Thời điểm này, giá cá tra có thể nói là tốt nhất từ đầu năm đến nay với mức 22.500- 23.000 đồng/kg nhưng nông dân không có cá để bán. Theo kết quả khảo sát của các các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu từ nay đến hết quý I/2014 sẽ tiếp tục giảm khoảng 40-50%. Điều này cho thấy, dù giá cá tra có khả quan hơn trong thời gian gần đây nhưng nghề nuôi cá tra vẫn khó có thể phục hồi do gặp khó về nguồn vốn, bởi họ còn vướng nợ xấu cũ nên không thể vay được vốn mới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hải, nông dân nuôi cá tra ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), vốn hiện nay không còn là vấn đề then chốt trong nuôi cá tra vì càng nuôi cá tra càng lỗ nên không ai dám đầu tư.
Doanh nghiệp lao đao
Không chỉ ở khâu nuôi cá gặp khó, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng gặp không ít lao đao. Ở thị trường xuất khẩu, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới kéo theo sức mua kém, giá cá giảm, thêm vào đó doanh nghiệp liên tục phải đối diện với vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ với mức thuế cao. Trong nước, các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, không đủ cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm đóng cửa một số nhà máy và ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới.
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thủy sản, trong số trên 70 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra thì một số doanh nghiệp đang thiếu vốn phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp giảm 2/3 công suất và cắt giảm 30-50% lao động. Thời gian qua, các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn do phải sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư cho các mục tiêu trung và dài hạn. Đến khi tới hạn trả nợ, các doanh nghiệp xoay xở không kịp nên phải bán tháo sản phẩm để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng hay quay vòng đầu tư cho các mục tiêu khác.
Thiếu cá tra nguyên liệu chế biến cũng là vấn đề khó của các doanh nghiệp trong năm 2013. Nếu như trước đây doanh nghiệp sản xuất 100 tấn cá tra/ngày thì gần đây chỉ sản xuất 20-30 tấn/ngày, chủ yếu từ nguồn cá thả nuôi năm 2012 do lứa cá thả nuôi từ quý II/2013 phải sang năm 2014 mới thu hoạch được. Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi cá tra 11 tháng đầu năm khoảng 5.800 ha, bằng 90,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Do nông dân thả nuôi cá cầm chừng nên diện tích cá tra thu hoạch chỉ bằng 87% so với cùng kỳ năm ngoái tương ứng với 852 ngàn tấn.
Tình trạng có quá nhiều đầu mối tham gia xuất khẩu, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng giá đã dẫn đến tình trạng giá cá tra xuất khẩu liên tục giảm mạnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam có tới 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, trong đó có 90 doanh nghiệp chào bán cá tra với giá dưới 2 USD/kg. Trong số những doanh nghiệp bán cá giá thấp có đến 90% là doanh nghiệp không có nhà máy chế biến hay vùng nuôi cá. Sự canh tranh này khiến giá cá tra xuất khẩu liên tục giảm và là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá trị xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 1,4%; tháng 10 vẫn tiếp tục giảm trên 6% và dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 cao nhất cũng chỉ tương đương 1,8 tỷ USD của năm ngoái.
Liên kết "hai nhà" lỏng lẻo
Chủ trương tăng cường sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để chia sẻ khó khăn, lợi nhuận giữa hai mắc xích quan trọng trong chuỗi sản xuất dù đã được đưa từ lâu nhưng đến nay vẫn còn rất lỏng lẻo. Theo nhiều nông dân nuôi cá, các trường hợp doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nông dân bằng cách kéo dài thời gian trả tiền mua cá còn phổ biến. Nhiều trường hợp nông dân bán cá cho doanh nghiệp tới 4-5 tháng vẫn chưa nhận được tiền hoặc chỉ nhận được 20-30% tiền cá dù hợp đồng ghi rõ là trả hết tiền mua cá trong thời gian 1 tháng.
Trong bối cảnh ngành cá tra hiện nay, để tiếp tục tồn tại thì các hộ nuôi cá tra phải liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Ông Lê Thanh Dung- Chủ nhiệm HTX cá tra Hòa Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang)- cho rằng, việc hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân nuôi cá tra với doanh nghiệp với điều kiện tất cả các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp đều có vùng nuôi liên kết với nông dân là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững ngành cá tra. Chuỗi liên kết sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh được rủi ro thiếu nguyên liệu, còn nông dân sẽ yên tâm đầu tư nuôi cá do không phải lo đầu ra.
Tuy nhiên, hiện nay xu hướng khép kín chuỗi sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi cá đến chế biến xuất khẩu đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhưng cách làm này thiếu bền vững. Để đầu tư nuôi cá bài bản, cộng với đảm bảo hoạt động chế biến xuất khẩu cần phải có lượng vốn rất lớn, yêu cầu quản trị cao mà điều này hoàn toàn không dễ. Trong hoàn cảnh thiếu vốn như hiện nay, doanh nghiệp dễ dẫn đến thất bại do phải thua lỗ ở nhiều khâu. Do đó, việc hình thành chuỗi liên kết, nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp mới là hướng đi hợp lý cho ngành cá tra.
Ông Nguyễn Việt Thắng- Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius)- cho biết, dự thảo Nghị định cá tra đã qua nhiều lần dự thảo và đã hoàn chỉnh trình Chính phủ. Sự ra đời của Nghị định này sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn và giải quyết cái gốc bất cập của ngành cá tra; khi đó vấn đề quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu sẽ khắt khe hơn, xuất khẩu cá tra sẽ là nghề có điều kiện, sản lượng cá tra nguyên liệu được kiểm soát... Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, giúp các cấp, các ngành chức năng và địa phương vùng ĐBSCL đưa ngành cá tra trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.